.

Cho tất cả mọi người

Ngày 4-1-2011, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Văn Minh đã quyết định cấp kinh phí bổ sung để hỗ trợ việc giữ xe miễn phí ở Bệnh viện Đà Nẵng với số tiền lên tới 2,352 tỷ đồng/năm.

Đây có lẽ là một trong những tin vui nhất đối với người dân Đà Nẵng trong những ngày đầu năm mới. Ý nghĩa xã hội và sự thiết thực của vấn đề, giá trị văn hóa - nhân văn thật lớn, nếu xét trên cái khung tổng thể của một điều rất “nhỏ” là chuyện giữ xe.

Ai cũng hiểu đối với người giàu, 2.000 - 3.000 đồng giữ xe là điều khỏi phải bàn, nhưng đối với người có thu nhập thấp (hoặc phụ thuộc về kinh tế) như công nhân, nông dân, sinh viên…, thì đó không hề là chi phí không đáng kể. Bởi lẽ, khi người thân vào viện, gửi xe không chỉ một lần mà là 3, 5, thậm chí 10 lần trong một ngày. Số tiền ấy thuộc về “quyền được tổng chi” của cả một gia đình. Thành phố đã gánh bớt một phần cho nỗi nhọc nhằn của những người nghèo khi lỡ bước sa chân. Một con đường có thể ta chưa bao giờ đến, một công viên cũng có thể chưa bước tới bao giờ nhưng đi thăm người thân, bạn bè ở bệnh viện thì ai cũng đã từng trải qua. Sự thực đó có nghĩa là việc Đà Nẵng bỏ thu phí giữ xe ở bệnh viện là điều tốt đẹp được dành cho tất cả mọi người.

Về mặt văn hóa sống, sẽ có nhiều người hơn đến thăm bệnh nhân với nhiều lần hơn. Sự sẻ chia, thông cảm sẽ được nhân lên gấp bội. Thử hình dung bạn bè của sinh viên nằm viện sẽ thoải mái đến mức nào nếu họ có thể đến thăm bệnh nhân nhiều người, nhiều lượt mỗi ngày? Mặt khác, phải ghi nhận rằng, xét theo nghĩa nhân văn, “đồng tiền” đã bị loại trừ ra khỏi (dù chỉ một phần thôi) đời sống tình cảm của con người. Còn gì tốt đẹp hơn khi ta đến với nhau mà không phải chạnh lòng thoáng chút vẩn vơ về cái dư vị khó hiểu của đồng tiền? Mặt khác, điều tốt đẹp dành cho mọi người từ sự thực thi này nói lên rằng Đà Nẵng đã bước bước đi đầu tiên theo ý nghĩa vì dân bắt đầu từ chuyện nhỏ để hướng tới những điều lớn lao hơn.
Chẳng ai muốn người thân bị đau ốm, thương tích đến nỗi phải nằm viện. Thế nhưng giảm bớt chi phí vài chục ngàn đến vài trăm ngàn cho gia đình lúc cần miếng khi đói là cái hồn, tinh túy của tinh thần chị ngã em nâng.

Trong “quá khứ”, Đà Nẵng đã có rất nhiều động thái lo cho mọi người – trước hết cho những người nghèo nhất, mà cả nước phải học tập như tiền Tết cho những người đi xe thồ, cho phạm nhân, cho những người có thu nhập thấp nhất; cấp xe máy bị tịch thu cho những người có thành tích bảo đảm an toàn, trật tự giao thông công cộng; xây dựng bệnh viện điều trị bệnh ung thư miễn phí đầu tiên… Tất cả những chính sách và biện pháp đó có cái đích đến thật rõ ràng, giản dị: Lo cho mọi người. Trong giai đoạn 2010 – 2020, Đà Nẵng đang hướng đến một mục đích cao cả và thật sự ấn tượng: Phấn đấu để Đà Nẵng trở thành thành phố không có người nghèo. Dù có giải nghĩa theo cách nào đi nữa thì đó là một ý tưởng đầy mơ ước, tinh thần trách nhiệm và nhiệm vụ hết sức nhọc nhằn, là lời hứa được cộng hưởng từ mọi khó khăn.

Rất hy vọng rằng việc thực hiện giữ xe miễn phí là một trong những bước đi đầu tiên để hướng đến niềm vui cho tất cả mọi nhà. Suy cho đến cùng, khi cái khó, nỗi khổ được đẩy lùi thì chuyện của hạnh phúc chỉ còn là câu chuyện “riêng” của mỗi gia đình. Thành phố đáng sống hay thành phố của những ước mơ chung là cái đích mà toàn thể cán bộ, đảng viên và người dân Đà Nẵng đang nỗ lực để đạt đến. Còn gì vui hơn khi ta đến với những nỗi đau, nỗi buồn bằng sự nhẹ nhõm của đồng cảm, sẻ chia?    

HÀ VĂN THỊNH

;
.
.
.
.
.