Buổi tổng kết một năm thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) trên địa bàn thành phố do Hội Liên hiệp Phụ nữ tổ chức vào sáng qua đã chứng kiến một sự thay đổi đặc biệt so với những lần trước. Nếu “phát pháo” chống BLGĐ do chính quyền thành phố đề ra, và bao lâu nay dường như chỉ có chính quyền “độc hành” trong cuộc chiến này, thì ngày hôm nay đã có thêm sự xuất hiện của người dân cùng chung tay đẩy lùi bạo lực.
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, người dân tổ 31, phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê là một điển hình. Theo lời bà Thanh, hễ hàng xóm láng giềng xảy ra cảnh vợ chồng xô xát là bà lập tức có mặt. Việc đầu tiên, bà Thanh điện thoại báo cho Công an, giải vây người bị nạn bằng cách gửi lánh tạm sang chỗ an toàn hơn, sau đó lắng nghe tâm sự của người trong cuộc để tìm nguyên nhân chia sẻ. Thời gian qua lại gia đình bạo lực với bà Thanh có khi là một buổi, có khi đến cả… hai tháng. Bởi không phải lý do nào, người khác cũng dễ nói ra.
Đã có hai gia đình được bà Thanh giúp sức và có kết quả đáng mừng. Trường hợp thứ nhất, chồng đánh vợ khi có hơi men vì thường xuyên… bị vợ mắng và đánh! Trường hợp thứ hai, vợ chồng không hòa hợp trong đời sống tình cảm. Sau khi nắm rõ tình hình, bà Thanh tự mình tìm hiểu các vấn đề tâm, sinh lý tuổi… hồi xuân rồi từ tốn phân tích, giải thích cho hai vợ chồng cùng hiểu. Đôi khi, những khúc mắc rất riêng tư lại phải nhờ vào tiếng nói của người ngoài cuộc.
Trước khi Đà Nẵng thành lập 11 địa chỉ tin cậy, là nơi lánh nạn, sơ cấp cứu tạm thời cho các nạn nhân BLGĐ, thì lâu nay, chị em vẫn quen chạy tới nhà ai đó để trốn những trận đòn roi của chồng, nhất là vào lúc nửa đêm. Căn nhà nhỏ của chị Trần Thị Bích Liên (phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ) từng đã là nơi ẩn nấp của không chỉ những người vợ mà còn của nhiều đứa con. Chị Liên cho biết, có hôm không còn chỗ ngủ vì đông người, chị vẫn cố tạo không khí an tâm cho các nạn nhân. Nhà chị còn là cái “kho” chứa đồ đạc có giá trị do nạn nhân gửi nhờ vì sợ chồng tẩu tán tài sản trước ly hôn.
Bà Thanh và chị Liên là số ít người dân cho tới thời điểm này mạnh dạn lên tiếng chống bạo lực. Đôi khi vì nhiều lý do, chúng ta không dám “dài tay”. Song, có hai, ba người vượt qua những nghi ngại để giúp đem lại hạnh phúc cho người khác cũng giống như những cánh én nhỏ báo tin vui. Bà Thanh nói rằng, có lần vừa chạm mặt một ông chồng bạo lực, bà đã nhận “lời chào”: “Gia đình tôi ung thư rồi, thối rữa hết rồi. Bà không làm được cái chi mô”. Nhưng bây giờ, gia đình của người đàn ông ấy đã được điều trị khỏi bệnh. Ung thư cũng tùy giai đoạn, và trong nhiều trường hợp, các bác-sĩ-nhân-dân vẫn mát tay chữa khỏi.
THU HOA