Từ trước đến nay ở thành phố Đà Nẵng nói riêng, cả nước nói chung, hàng ngoại luôn chiếm thị phần không nhỏ trên thị trường. Càng gần Tết Nguyên đán, hàng hóa có xuất xứ từ nước khác, chủ yếu từ Trung Quốc càng tràn ngập chợ, siêu thị. Không chỉ nhiều về số lượng mà hàng ngoại rất phong phú về chủng loại, mẫu mã rất ấn tượng. Có thể nói, tất tần tật từ đồ ăn thức uống, hàng tiêu dùng đến các loại máy móc, thiết bị hiện đại, hàng ngoại đều chiếm ưu thế trên thị trường. Cũng vì vậy mà ở bất cứ gia đình nào, nghèo khó hay khá giả đều có khối thứ được sản xuất ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Trong thời đại hội nhập, nhà nhà đua nhau xuất nhập khẩu, hàng ngoại cứ thế đổ về rất khó kiểm soát. Không chỉ các thứ trên thị trường khan hiếm, mà ngay cả các sản phẩm trong nước sản xuất rất nhiều vẫn được nhập về với số lượng không nhỏ. Báo Tuổi trẻ Online ngày 15-11-2010 có bài “Nhập cả bắp cải, hành lá” dẫn tin: Hàng nông sản từ Trung Quốc với thuế suất nhập khẩu 0% đang đổ vào thị trường nước ta với số lượng lớn.
Nếu như 5 tháng đầu năm chỉ có 7.200 tấn cà-rốt nhập về, thì 5 tháng tiếp theo đã có 14.100 tấn, nâng sản lượng cà-rốt tràn vào thị trường Việt Nam đến thời điểm hiện nay lên khoảng 25 nghìn tấn. Tương tự, hành lá cũng tăng từ 947 tấn 5 tháng đầu năm lên gần 10 nghìn tấn hiện nay. Các loại nấm cũng nhảy vọt từ 887 tấn lên 7.740 tấn 10 tháng đầu năm. Đáng báo động hơn, tăm tre xỉa răng, sản phẩm quá thông dụng, sản xuất chẳng khó khăn gì cũng ào ạt nhập về. Trong khi, 5 tháng đầu năm chỉ nhập về 82 tấn, 5 tháng tiếp theo đã tăng đột biến lên 1.118 tấn.
Hàng ngoại tràn ngập thị trường là cơ hội cho người tiêu dùng tha hồ chọn lựa, hạn chế được tình trạng độc quyền tăng giá khó kiểm soát, song hậu quả thì vô cùng lớn. Nguy hại nhất là sản xuất trong nước bị bóp nghẹt khó bề phát triển. Nông dân đành ngửa mặt kêu trời khi sản phẩm họ làm ra giá rẻ và rất khó tiêu thụ, dẫn đến thua lỗ nặng. Vài ba vụ liên tiếp như vậy họ đành bỏ ruộng lên phố kiếm kế mưu sinh. Tăm tre Trung Quốc tràn ngập, các cơ sở sản xuất của người mù đóng cửa, khó khăn lại đè nặng lên đời sống xã hội. Lâu dần, người Việt quen dùng hàng ngoại, sản xuất trong nước đình trệ, có khi hạt muối, bó rau cũng phải chờ hàng nhập khẩu mới có dùng. Quả là mối nguy hại tiềm tàng từ nhập khẩu hàng hóa không được kiểm soát đến nơi đến chốn và dân ta cứ vô tư dùng hàng ngoại, coi nhẹ lòng tự tôn dân tộc.
Lợi nhuận luôn là mục tiêu cao nhất của các nhà nhập khẩu. Họ sẵn sàng tuồn hàng kém chất lượng vào nước ta, miễn là kiếm được nhiều tiền. Cũng vì vậy, thị trường nước ta đang đứng trước nguy cơ thành bãi thải sản phẩm quá đát, thậm chí cả chất thải độc hại. Đã không ít lần, cơ quan chức năng cảnh báo về tình trạng sử dụng hóa chất độc hại bảo quản nông sản nhập khẩu gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng, song ít ai quan tâm. Trong khi người Việt ta thường phản ứng khá quyết liệt, thậm chí tẩy chay hàng nội mỗi khi có thông tin nào đó về chất lượng không bảo đảm. Thời gian qua, công luận từng cảnh báo, cam Trung Quốc dùng chất bảo quản gây ung thư, nhưng mặt hàng này vẫn tiêu thụ đều đều. Quả là mẫu mã đẹp, giá rẻ làm lóa mắt người tiêu dùng và hàng ngoại vẫn có cơ hội tiêu thụ mạnh trên thị trường trong nước.
Không thể thờ ơ, bàng quan trước thực trạng đáng báo động về hàng ngoại tràn ngập thị trường nước ta. Nếu không có chính sách hợp lý về lĩnh vực này, sản xuất trong nước đình trệ khó tránh khỏi. Đành rằng, thời hội nhập, chịu sự ràng buộc từ Tổ chức Thương mại thế giới về xuất nhập khẩu hàng hóa, nhưng không vì thế để hàng ngoại lấn át cả những thứ trong nước sản xuất phổ biến. Cứ thả nổi như thời gian qua, chẳng bao lâu nữa, nước ta sẽ tụt hậu so với các nước trong khu vực và đời sống người dân sẽ phụ thuộc vào nền sản xuất của nước khác.
NGUYỄN CẦU