.

Sự kiện lịch sử trọng đại

Hôm nay, 12-1-2011, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng chính thức khai mạc tại Thủ đô Hà Nội, thành phố còn nồng hơi ấm và sự náo nức của Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nhân dân cả nước và bạn bè năm châu đang dõi theo từng ngày  Đại hội với kỳ vọng sau thập niên đầu của thế kỷ XXI và sau khi Việt Nam gia nhập WTO hơn 4 năm, Đảng ta sẽ có những bước đột phá kỳ diệu, đưa đất nước hội nhập ngày càng sâu hơn vào thế giới toàn cầu hóa, tiến bước cùng thời đại.

Mỗi kỳ Đại hội, đánh dấu một bước trưởng thành của Đảng. Tuy nhiên, qua mười kỳ đại hội, có những đại hội ghi đậm dấu ấn vào lịch sử. Đúng 60 năm trước, Tân Mão-1951, Đại hội II Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định Đảng ta ra hoạt động công khai, lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam và đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn. Năm 1960, Đảng tiến hành Đại hội III, với chủ đề xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà. Đại hội lần thứ IV của Đảng là Đại hội có ý nghĩa lịch sử trọng đại: Đại hội toàn thắng của sự nghiệp giải phóng dân tộc; Đại hội thống nhất nước nhà; Đại hội cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
 
Đại hội VI của Đảng mở đầu sự nghiệp đổi mới đất nước. Đại hội VII của Đảng khẳng định Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động và thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đại hội IX của Đảng nhìn lại Việt Nam trong thế kỷ XX và triển vọng trong thế kỷ XXI với nhiệm vụ cao cả “Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Kết thúc Đại hội X cũng là kết thúc thập niên đầu của thế kỷ XXI. Sứ mệnh Đại hội X là “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển”.

Theo nhiệm kỳ 5 năm tổ chức một lần Đại hội Đảng, nhưng Đại hội XI - 2011 - có một sứ mệnh lịch sử cao cả, nhìn lại cả chặng đường 80 năm ra đời và trưởng thành của Đảng, tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X, đi tiếp chặng đường mở đầu thập niên thứ hai của thế kỷ XXI.

Đại hội XI có sứ mệnh tổng kết một phần tư thế kỷ xây dựng đất nước theo tư duy đổi mới (1986-2011) và bổ sung, phát triển Cương lĩnh 1991 về xây dựng đất nước trong thời thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Một trong những vấn đề nổi lên của giai đoạn cách mạng mới từ sau Đại hội X là Việt Nam gia nhập WTO và ngày càng hội nhập sâu vào thế giới. Xu thế lớn của thế giới là hòa bình, hợp tác và phát triển. Bổ sung và phát triển Cương lĩnh lần này là một đòi hỏi khách quan của lịch sử. Cương lĩnh khẳng định bản chất của chế độ ta và năng lực lãnh đạo của Đảng, chứng minh rằng dưới ánh sáng khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, mỗi dân tộc có thể tự khai phá con đường đi lên chủ nghĩa xã hội phù hợp với thực tiễn nước mình; có thể tự đổi mới, chấn hưng đất nước để xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Sau 25 năm đổi mới, Đảng ta đã rút ra được những bài học lớn: Một là, kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh. Hai là, đổi mới toàn diện, đồng bộ, có bước đi, hình thức và cách làm phù hợp. Ba là, đổi mới phải vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của nhân dân, phù hợp với thực tiễn, luôn luôn nhạy bén với cái mới. Bốn là, phát huy cao độ nội lực, đồng thời khai thác ngoại lực, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong điều kiện mới. Năm là, phải nâng cao năng lực lãnh đạo  và sức chiến đấu của Đảng, không ngừng đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân.

Từ thực tiễn phong phú của cách mạng, Đại hội XI đã rút ra những bài học lớn, vừa là những bài học của quá trình đổi mới vừa là bài học của hơn 80 năm lãnh đạo cách mạng. Những bài học đó chứng tỏ sự trưởng thành rất lớn về tổng kết thực tiễn; bước phát triển quan trọng trong nhận thức và tư duy lý luận của Đảng ta.

Đúc kết bài học kinh nghiệm thuộc văn hóa chính trị, văn hóa cầm quyền của Đảng, thể hiện trí tuệ và bản lĩnh của một Đảng chân chính cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy rằng “gom góp ý kiến và kinh nghiệm trong sự chỉ đạo từng bộ phận, đem làm ý kiến chung. Rồi lại đem ý kiến chung đó để làm thí nghiệm trong các bộ phận. Rồi lại đem kinh nghiệm chung và mới, đúc thành chỉ thị. Cứ như thế mãi”. Hy vọng và tin tưởng sâu sắc rằng Đại hội XI không chỉ là sự kế tục, phát triển kinh nghiệm lãnh đạo của các Đại hội trước mà còn là một mốc son  thể hiện tinh thần đổi mới, dân chủ, sáng tạo, quyết tâm cao độ của Đảng lãnh đạo đất nước phát triển nhanh và bền vững trong kỷ nguyên toàn cầu hóa..

Bùi Đình Phong
;
.
.
.
.
.