Cuối năm âm lịch, phong tục cúng tất niên trở thành một nghi lễ khá bình thường của mọi gia đình, làng xóm… Đó là dịp tổng kết một năm làm ăn vất vả và bàn tính công việc của năm đến. Tất niên còn có nghi lễ cúng đất rất có ý nghĩa: Ta ở chỗ này, là ở với thổ thần, là thành hoàng bổn xứ, ở với những người của quá vãng từ các nền văn minh Sa Huỳnh, Chămpa và Đại Việt-chịu ơn họ đã khai khẩn giữ gìn mảnh đất mà nay ta đang ở và sinh cơ lập nghiệp...
Ở nhiều làng xóm nông thôn, tất niên còn trùng với lễ cúng âm linh ở miếu xóm, tưởng nhớ, chăm sóc những ngôi mộ vô chủ, họ là những người vì tên bay đạn lạc, vì đói khát, vì thiên tai... đã ngã xuống mà nay không ai hương khói. Ở các khu phố đô thị, cũng có cúng xóm. Ngoài mâm lễ tạ đất đai, bà con trong khu phố gặp nhau để hàn huyên tâm sự, hỏi han sức khỏe, rút ra những bài học cư xử tâm đắc trong năm để cùng nhau bước vào năm mới.
Ngày xưa, các bô lão thường ngồi bên nhau trong những dịp tất niên như vậy bên chén rượu, cơi trầu trịnh trọng lắm. Nay thì khác hơn, đời sống kinh tế phát triển, những lúc tất niên thường có mâm cao cỗ đầy, có heo quay và nhiều loại nước uống thịnh soạn, đắt tiền. Và đáng tiếc là có nơi đã lạm dụng quá mức, biến lễ tất niên thành cuộc nhậu bát ngát, nhiều cuộc dẫn đến say xỉn, gây sự giữa các thành viên tham dự. Ở nhiều cơ quan, đơn vị, gia đình, việc cúng tất niên còn có những biểu hiện mê tín như xem ngày, đốt hàng mã quá đáng (trong đó có cả… đô-la giả!). Có nơi do sơ ý đã từng xảy ra hỏa hoạn thiêu rụi nhiều tài sản, hàng hóa rất đáng tiếc. Tất cả những hiện tượng lạm dụng và vượt giới hạn đó cần được nhắc nhở và ngăn chặn không chỉ ở những người có tuổi mà còn cả những cơ quan có chức năng ở mỗi địa phương.
Chính những hiện tượng tiêu cực trong nghi thức cúng tất niên nêu trên đã làm lu mờ những ý nghĩa nhân văn và cộng đồng cao đẹp như đã đề cập. Thậm chí nhiều nơi, nhất là trong giới trẻ, người ta đã tất niên như một sự bắt chước mà không hiểu rõ những giá trị thực sự của một nghi lễ tồn tại khá lâu trong lịch sử sinh hoạt tinh thần của chúng ta.
Tôi vừa được mời về dự lễ cúng tất niên ở một miếu làng ở ngoại thành (tức âm linh nghĩa tự), nghe các vị trong ban nghi lễ của làng ấy đọc văn cúng rất ý nghĩa (na ná Văn tế thập loại chúng sinh của thi hào Nguyễn Du). Sau đó cũng dự tiệc ở Nhà Văn hóa thôn và được nghe một đại diện của thôn ấy báo cáo các hoạt động chăm sóc người già, cứu trợ người nghèo trong năm qua và chương trình hoạt động trong dịp Tết đến. Có nhiều người dân làng đi làm ăn xa hoặc định cư ở thành phố trong dịp này cũng về làng tham dự và đóng góp tiền của sửa sang miếu làng, giao thông nông thôn, đóng góp cho quỹ khuyến học ở địa phương khá cảm động và thiết thực… Nghi lễ, nội dung hoạt động và tiệc tất niên như vậy giúp tôi hiểu thêm về tình làng nghĩa xóm, về sự bền chặt trong đời sống tinh thần ở các vùng nông thôn, ngoại thành; mặc dù đời sống kinh tế ở những nơi đó vẫn còn không ít khó khăn.
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG