Trong rất nhiều sự lo toan cho ngày Tết để “cả nhà cùng vui, người người đều vui” thì vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm (VSATTP) là một trong mấy điều được quan tâm nhất. Nó liên quan trực tiếp đến sức khỏe của con người (trước mắt và lâu dài), đến văn hóa sống, văn minh đô thị, túi tiền của các gia đình nghèo, niềm vui hoặc nỗi buồn…
Có một đoạn tin dường như chẳng liên quan gì đến Tết nhưng đọc thì phải giật mình: Theo số liệu của Chi cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng thì trong năm 2010, chi cục đã kiểm tra 2.869 điểm kinh doanh hàng thực phẩm, rượu bia…, đã xử lý vi phạm 2.655 vụ (tăng 208 vụ so với năm 2009) và phạt số tiền hơn 5,886 tỷ đồng (!).
76,18% số điểm được kiểm tra có vi phạm (thực phẩm, rượu, bia không nhãn, mác; hàng lậu, hàng quá thời hạn sử dụng…) ít hay nhiều, đã phản ánh rằng đụng đâu thấy sai đó, kiểm tra đâu có vi phạm ở đó là chuyện khá phổ biến. Thử hình dung trên địa bàn thành phố, 3/4 điểm kinh doanh thực phẩm vi phạm quy định về VSATTP thì sẽ thấy được vấn đề nghiêm trọng đến mức nào!
Cách giải thích cho rằng hàng không có nhãn mác vẫn có thể là hàng tốt là điều không thể chấp nhận được. Mọi sự mù mờ, nhập nhòa về thời hạn sử dụng, xuất xứ của hàng hóa đều kèm theo sự che đậy đen tối nào đó. Mặt khác, do những hàng hóa có nguồn gốc từ sự… chạng vạng đó mà người tiêu dùng không thể kiểm soát được túi tiền của mình, đó là chưa nói chuyện khóc dở mếu dở khi mua phải hàng dởm, hàng nhái. Báo Đà Nẵng ngày 20-1-2011 cho biết một thực tế: Hàng hóa không nhãn mác bày bán tràn lan, rượu gắn tem giả bày bán công khai (?).
Những sai phạm về VSATTP nếu chỉ xét dưới góc độ một gói mứt hay một chai rượu thì chỉ là chuyện không lớn. Thế nhưng, một khi đồ giả chiếm đến 3/4 thị trường hàng hóa (chắc chắn sẽ còn nhiều hơn trong những ngày giáp Tết) thì thực sự rất đáng báo động.
Một vấn đề khá nhức nhối nữa là chuyện đong thiếu, cân non (Hằng Vang, Báo Đà Nẵng ngày 20-1). Đây cũng là một hiện tượng khá phổ biến trên toàn quốc. Cách làm ăn gian dối nhưng được bao biện là do hàng tôm, hàng cá cân mau gỉ sét nên cân không chính xác (thiếu 100 - 200gr/1kg) chỉ là một cách che đậy cho sự lừa dối công khai. Nếu đi đâu cũng mua phải sự gian trá như thế thì không thể nói đến một nếp sống cộng đồng văn minh - kinh doanh lành mạnh.
Những sai phạm về VSATTP đang diễn ra từng ngày trên khắp các điểm bán hàng là do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó, việc thiếu cán bộ kiểm tra thường xuyên (do lực lượng mỏng, thiếu), thiếu các chế tài nghiêm khắc là nguyên nhân quan trọng nhất. Không thể chờ để giáo dục cho những người buôn bán nhỏ về sự cần thiết phải thay đổi hay tạo nên sự đột phá tự giác mà bước đi cần thiết là phải thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra đột xuất, tăng thêm đội ngũ cán bộ, nhân viên cũng như nghiên cứu để điều chỉnh, bổ sung những chế tài nghiêm khắc hơn.
Ngày Tết, do nhu cầu tiêu dùng tăng, lượng mua bán lớn nên cũng là “cơ hội” để cho nhiều kiểu làm ăn phi pháp, gian dối gia tăng. Rất mong các cơ quan có trách nhiệm nỗ lực hơn trong việc kiểm tra, ngăn chặn mọi sự sai phạm để Tết đến, xuân về trong lành và đẹp đẽ hơn…
Hà Văn Thịnh