.

Tranh luận dân chủ

Là người có ý kiến phát biểu tranh luận cuối cùng sau hơn hai ngày thảo luận ở tổ và tại hội trường trong chương trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, TS. Trần Du Lịch (đại biểu thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, ông thấy đây là đại hội có những bước đổi mới, với việc lần đầu tiên các đại biểu nêu ra ý kiến và có tranh luận trực tiếp tại đại hội.

Vấn đề này đã được Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khơi mào khi thay mặt Đoàn Chủ tịch điều hành phiên thảo luận tại hội trường vào chiều ngày 13-1. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc thực hiện chủ trương này trước tiên, bằng việc không đọc tham luận đã chuẩn bị trước mà nói thẳng hai vấn đề mình quan tâm. Một trong hai vấn đề được Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nêu lên, đã nhận được sự quan tâm của các đại biểu và làm “nóng” lên hội trường Đại hội XI, chính là một đặc trưng của thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta, liên quan đến tầm vĩ mô cũng như vi mô, về bản chất chế độ và lợi ích người dân. Đó là đặc trưng liên quan chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu.

Nhiều ý kiến trái chiều, những ý kiến làm trung gian hòa giải… cũng đã được các đại biểu trình bày tại Đại hội nhằm làm rõ hơn đặc trưng này của thời kỳ quá độ lên CNXH.

Thế nhưng, điều quan trọng là qua sự việc này, cho thấy đã có sự mở rộng hơn trong thực hiện dân chủ; từ đó tăng cường dân chủ từ trong Đảng đến xã hội. Mà trước tiên là từ sự kiện quan trọng, có ý nghĩa lịch sử của Đảng, của đất nước và dân tộc: Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng.

Điều này cũng làm rõ hơn những nội dung đã nêu trong dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) là: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh (…). Dân chủ XHCN là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ XHCN, bảo đảm tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Dân chủ phải được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mọi cấp, trên tất cả các lĩnh vực thông qua hoạt động của Nhà nước do nhân dân bầu ra và các hình thức dân chủ trực tiếp...”.

So với những Cương lĩnh trước, thì đây là một trong hai đặc trưng được bổ sung. Điểm mới ở đây, theo PGS,TS. Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương chính là “chuyển từ “dân chủ” lên trước từ “công bằng”, bởi cả về lý luận và thực tiễn đều khẳng định có dân chủ thì mới có công bằng, văn minh, đồng thời để nhấn mạnh bản chất của xã hội ta là xã hội dân chủ theo Tư tưởng Hồ Chí Minh”.

Trong tham luận tại Đại hội, Giám đốc Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh GS,TS. Lê Hữu Nghĩa cũng đã bàn thêm về vấn đề này khi phân tích đặc trưng của thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta: “CNXH mà nhân dân ta đang xây dựng là quá trình dân chủ hóa, phát huy mọi quyền dân chủ của nhân dân, đồng thời hướng tới những giá trị công bằng cho mọi tầng lớp, mọi người dân, xây dựng xã hội Việt Nam thành một xã hội văn minh, hiện đại”.

Vẫn còn nhiều điều cần bàn đến trong thực hiện dân chủ, ở trong Đảng cũng như xã hội, nhưng qua những gì thể hiện ở các hoạt động Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, cũng cho thấy niềm tin vào việc phát huy dân chủ ngày càng mạnh mẽ hơn ở nước ta trong giai đoạn phát triển, hội nhập sâu rộng và toàn diện.

ANH QUÂN
;
.
.
.
.
.