.

Tư duy độc lập sẽ tạo ra đột phá

Chuyện Hội đồng Nhân dân TP. Đà Nẵng ra nghị quyết miễn tiền gửi xe tại các bệnh viện công đã tạo ra sự đồng tình rộng rãi. Sáng đầu năm, ngồi quán cà-phê sau buổi tập thể dục, tôi đã nghe mấy anh xe ôm, taxi và vài cụ già trong xóm bàn tán sôi nổi…

Họ nhắc lại những việc mà thành phố Đà Nẵng đã làm trong thời gian qua, trong khi nhiều nơi chưa làm được. Nào là gặp mặt những người mãn hạn tù và cho vay tiền để làm ăn. Rồi đến gặp gỡ, nghe tâm sự của các thiếu niên phạm pháp, đưa đi tham quan các trại cải tạo và nghe nguyện vọng, tâm sự của các em để tìm cách giúp đỡ. Nào là tiếp xúc với giới đạp xe ba bánh, xích lô và động viên, giúp đỡ mỗi năm. Lại thêm việc mời các ông chồng say sưa rượu chè, cờ bạc luôn về nhà hành hạ, đánh đập vợ con đến gặp lãnh đạo cao nhất của thành phố để “đối thoại”… Toàn những việc “nhỏ như con thỏ” mà có ý nghĩa an sinh to lớn đã được thực hiện tại Đà Nẵng như những bước đột phá trong mấy năm qua.

Tất nhiên, một người khách uống cà-phê khác nói: Nếu triển khai sớm và toàn diện hơn thì các bệnh viện Trung ương trên địa bàn cũng nên miễn tiền gửi xe đồng loạt để người dân được nhờ…

Nghe những người lao động nghèo nói chuyện, một ông khách cà-phê là sĩ quan hưu trí nói thêm: Đọc báo các anh mới thấy chuyện Hà Nội không xử lý được mấy cái nhà siêu mỏng, TP. Hồ Chí Minh để lô cốt trầm kha cản trở giao thông và ngập nước trên nhiều đường phố, nhiều nơi cũng không giải phóng được mặt bằng để thi công các công trình công ích dù chỉ có vài chục hộ bị giải tỏa. Dư luận các nơi đó lại nêu câu hỏi: Vì sao Đà Nẵng làm được, thậm chí đến cả hơn 5 vạn hộ được giải tỏa và tái định cư trong quá trình đô thị hóa mấy năm qua mà chỗ họ không làm được!...

Tôi ngồi nghe họ bàn luận và nghĩ đến nguyên nhân sâu xa của những việc “làm được” mang tính đột phá đó của Đà Nẵng. Tôi tự trả lời rằng, đó là xuất phát từ một khả năng tư duy (hay suy nghĩ) độc lập của những công chức có trách nhiệm. Khi anh biết suy nghĩ độc lập, không lệ thuộc và lo sợ vào bất cứ điều gì - như cơ chế ràng buộc, như sợ trách nhiệm, và sự ganh tị, dèm pha… - thì chắc chắn sẽ có những bước đi đột phá như vậy. Chỉ tiếc là khả năng suy nghĩ độc lập, tinh thần dám chịu trách nhiệm trong xã hội chúng ta hiện nay không có nhiều mà nguyên nhân thì khá sâu xa và bắt nguồn từ lắm khía cạnh mang tính xã hội, giáo dục…

Một hôm tôi đem chuyện này nói với một vị lãnh đạo của thành phố và đề nghị hãy nói thật ai là tác giả của tất cả các sáng kiến ấy? Vị ấy trả lời rằng: “Đừng hỏi ai đưa ra sáng kiến này nọ, mà cứ nhìn những đột phá ấy của Đà Nẵng có được đông đảo người dân đồng tình không! Nếu mỗi công chức biết đặt mình vào vị trí của người dân, tìm hiểu người dân đang cần gì, đang muốn gì để có cuộc sống tốt đẹp hơn và đừng lo nghĩ đến… cái ghế, thì anh sẽ có cách làm tốt nhất cho dân…”. Vị ấy còn dặn tôi: “Thôi, chỉ nói vậy chứ đừng viết làm gì, không khéo rồi lại đố kỵ, mệt lắm ông ơi… Mình cứ làm thinh mà làm cho có lợi cho dân cũng là quý rồi!”.

Mười lăm năm qua, Đà Nẵng có những bước phát triển vượt bậc và mang tính đột phá cao. Từ một thành phố loại 3 trực thuộc tỉnh đến một đô thị loại 1 và trở thành một “thương hiệu” uy tín là nhờ ở cách suy nghĩ đó. Tất nhiên, Đà Nẵng vẫn tồn tại nhiều bất cập mà bất cứ đâu trong quá trình đô thị hóa vẫn gặp phải. Đà Nẵng cũng còn nhiều tồn tại trong lĩnh vực văn hóa và quản lý đô thị để tạo cho nó một bản sắc riêng biệt và giữ gìn được những giá trị lịch sử địa phương. Nhưng đây vẫn là nơi mà như tôi từng tường thuật về ý kiến của Kiến trúc sư nổi tiếng người Mỹ, Dan Ringelstein, khi ông đến Đà Nẵng: “Đà Nẵng đang tạo nên một sự khác biệt để nâng cao giá trị của mình và đây là thành phố đẹp nhất ở Việt Nam mà tôi biết…”.

Trương Điện Thắng
;
.
.
.
.
.