.

Về sở hữu đất đai

“Tập trung hoàn thiện thể chế, tạo lập thị trường đất đai lành mạnh trên nguyên tắc đất đai là công thổ quốc gia và là tư liệu sản xuất chủ yếu của nông dân. Nhà nước và người giao lại quyền sử dụng đất phải là những đối tượng được hưởng lợi chủ yếu từ việc chuyển giao quyền sử dụng đất” (trích bài viết đầu năm mới 2011 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng).

Tôi cho rằng thông điệp của Thủ tướng nhấn mạnh 3 mệnh đề quan trọng, mà căn cứ vào đó có thể đánh giá được sứ mệnh, vai trò, hiệu quả cũng như làm rõ hạn chế, yếu kém, thậm chí là sai phạm ở các cấp, ngành, đối tượng trong thực tiễn quản lý, điều hành, kinh doanh quyền sử dụng đất những năm qua.

Mệnh đề thứ nhất: Đất đai là công thổ quốc gia. Theo quan điểm của Nhà nước ta, đất đai là “sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu” - nghĩa là, tất thảy đất đai đều không phải của riêng chính phủ, địa phương hay công dân. Đất đai là tài sản chung của quốc gia, dân tộc. Vậy, khi sử dụng bất cứ một mét vuông nào của công thổ quốc gia thì lợi ích quốc gia, dân tộc phải được đặt lên hàng đầu, tiên quyết và dứt khoát.

Lợi ích quốc gia, dân tộc không phải là khái niệm chung chung. Trước hết, đó phải là an ninh và toàn vẹn lãnh thổ. Bất kỳ dự án nào, từ trồng rừng đến quy hoạch đô thị, từ khai khoáng đến dựng xưởng hay xây nhà, từ miền ngược, miền xuôi, biên cương, hải đảo… đều phải tính đến chuyện đó.

Thứ đến, là phát triển kinh tế-xã hội. Đất đai là nguồn lực vô cùng lớn (có người tính 40%) trong tổng tài sản quốc gia, nếu không chuyển tài sản đó thành nguồn vốn để đầu tư phát triển kinh tế-xã hội thì phí phạm. Nói cách khác, phải đưa đất đai trở thành một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội.

Mệnh đề thứ hai: Đất đai là tư liệu sản xuất chủ yếu của nông dân. Đô thị hóa là một quá trình mang tính tất yếu, không ai cưỡng lại được. Trong quá trình này, các vùng định canh (thậm chí cả du canh) dần thu hẹp lại. Điều này có nghĩa, tư liệu sản xuất của nông dân ngày càng trở nên ít ỏi hơn, quá trình sản xuất gặp khó khăn hơn, đời sống của hàng triệu hộ nông dân bị xáo trộn không ngừng. 

 Mệnh đề thứ ba: Nhà nước và người giao lại quyền sử dụng đất phải là những đối tượng được hưởng lợi chủ yếu từ việc chuyển giao quyền sử dụng đất. Đây là mệnh đề quan trọng nhất, “cụ thể hóa” 2 mệnh đề nêu trên trong quá trình quản lý, điều hành, sử dụng đất đai và kinh doanh quyền sử dụng đất. Đất đai là vốn quý nhưng nếu để không thì cũng chẳng lợi ích gì, do đó phải giao dịch, chuyển đổi, khai thác… thì mới đem lại lợi ích cho quốc gia, dân tộc và cải thiện đời sống nhân dân. Có 4 chủ thể chủ yếu tham gia vào quá trình này: Nhà nước, người dân, người làm dịch vụ và nhà đầu tư.

Không thể có chuyện người làm dịch vụ và nhà đầu tư làm công ích cho Nhà nước và người dân; bỏ tiền ra làm ăn thì họ phải kiếm lời, đó là điều hiển nhiên. Vấn đề ở đây chính là điều hành lợi ích, để làm sao Nhà nước và người dân (người chuyển giao quyền sử dụng đất) được hưởng lợi chủ yếu, chứ không phải là người làm dịch vụ hay nhà đầu tư. Dường như, không phải ở đâu, lúc nào nguyên tắc đó cũng được áp dụng triệt để. Ở vùng sâu, không ít dự án thủy điện, sau khi triển khai, đã đẩy dạt người dân ra những khu vực cằn khô, heo hút, chênh vênh với các dự án tái định cư sơ sài, nếu không nói là vô trách nhiệm. Ở vùng đồng bằng, không ít dự án đầu tư lấy hết ruộng đất của nông dân với giá đền bù (và các chính sách đi kèm) ở mức thấp. Ở đô thị, không phải không có những “khu đất vàng” bị thao túng…
 
Tất cả những điều đó đặt ra cho các cấp quản lý câu hỏi đầy thách thức về tầm nhìn lẫn tính minh bạch, mà chung quy lại, bất cứ ai cũng có quyền đặt câu hỏi: Lợi ích của Nhà nước và người dân đã “chủ yếu” hay chưa? Một thời gian dài, các nhà quản lý đưa ra lợi thế so sánh của ta là nhân công, đất đai giá rẻ. Xét trong bối cảnh nhất định, điều đó có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, đến nay, cách thức kêu gọi “giá rẻ” này đã cần cân nhắc lại. Bởi, đất đai thì có giới hạn nhưng nhà đầu tư thì vô hạn, không có người này thì có người khác, không có lúc này thì có lúc khác.

Các mệnh đề trong bài viết của Thủ tướng chính là quan điểm, chủ trương, chính sách nhất quán từ trước đến nay của Đảng, Nhà nước. Tuy vậy, Thủ tướng nhắc lại vào thời điểm này, đầu năm mới 2011, năm đầu tiên sẽ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, có thể xem là một đòi hỏi cấp thiết.

Nguyễn Thị Anh
;
.
.
.
.
.