Ngoại trừ Công viên 29-3 mới được tôn tạo, nâng cấp trong thời gian gần đây, Đà Nẵng hiện chỉ còn một số ít công viên nho nhỏ. Tuy nhiên, việc quản lý xem ra vẫn còn khá nhiều bất cập.
Đơn cử một vài ví dụ, điển hình như công viên đầu đường Thanh Thủy, lẽ ra phải làm đúng chức năng của nó là một góc thư giãn, vận động thể dục thể thao dành cho người dân, nhưng tại đây từ lâu đã bị biến thành điểm kinh doanh giải trí dành cho trẻ em mỗi chiều và tối, trông rất lộn xộn và nhếch nhác. Một công viên khác ở ngay ngã tư mặt tiền đông đúc người qua lại Trần Cao Vân - Ông Ích Khiêm, nhưng trông thật xập xệ, ghế đá gãy gục, chợ búa lấn chiếm vỉa hè, rác rưởi vây quanh, thật khó để có thể xem là nơi sinh hoạt văn hóa và nghỉ ngơi. Hầu hết các công viên mỗi khi dịp Tết về, do phải gánh chịu số lượng người vui chơi quá tải, môi trường vệ sinh lại trở thành vấn đề vô cùng bức xúc.
Thiết nghĩ nguyên nhân đầu tiên dẫn đến tình trạng trên là mô hình và chất lượng công tác quản lý công viên chưa được coi trọng. Không rõ tổ chức nào hiện được chính quyền địa phương giao “Trách nhiệm đầy đủ” để đảm nhận từ A đến Z vai trò quản lý các công viên trong phạm vi toàn thành phố? Xin được nhấn mạnh cụm từ “Trách nhiệm đầy đủ” để thấy được tầm quan trọng của việc lựa chọn mô hình quản lý, phân công phân nhiệm, sự chủ trì phối hợp giữa các cấp, các ngành sao cho đồng bộ và hiệu quả, tránh hiện tượng đùn đẩy, chồng chéo lẫn nhau.
Cần nhấn mạnh rằng, công viên, không kể lớn hoặc nhỏ, thực sự không khác gì một cơ thể sống, là nơi hội tụ chức năng đa dạng. Đó không chỉ là hiện thân của kiến trúc không gian thẫm mỹ thơ mộng mà còn là tụ điểm văn hóa tinh thần. Nhìn vào công viên người ta sẽ đánh giá được phần nào sắc thái truyền thống xã hội, đánh giá được trình độ hưởng thụ văn hóa của một địa phương, một quốc gia, những cái không thể đo đếm được bằng tiền hoặc vật chất chung chung.
Trong chiến lược chỉnh trang đô thị, Đà Nẵng đã đúng khi tranh thủ đi trước một bước nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ. Việc cần làm tiếp theo là phải nâng tầm các thiết chế văn hóa - xã hội sao cho tương xứng với tốc độ phát triển đô thị ngày càng cao. Đà Nẵng cần có riêng một chương trình về cải tạo, nâng cấp, tôn tạo, kể cả xây dựng mới các công viên có tầm cỡ khu vực và quốc gia. Đây cũng là “tiêu chí”của một “Thành phố môi trường”, văn minh, hướng vào mục tiêu phục vụ ngành kinh tế trọng điểm du lịch - dịch vụ. Và cũng xin đừng bao giờ quên, ngoài vai trò của cơ quan quản lý, cần tăng cường “vị thế chủ thể” của người dân, giáo dục nâng cao nhận thức nếp sống văn hóa đô thị đối với mọi tầng lớp quần chúng, điều này thực sự mang ý nghĩa quyết định, thông qua đó góp phần hiện thực hóa “Chương trình 3 có” của Đà Nẵng ngày càng đi vào thực chất hơn.
Tâm Dân