.

Đà Nẵng: Trung tâm hội nghị, hội thảo?

Ý tưởng chọn một trong những hướng phát triển chính của du lịch Đà Nẵng trong thời gian tới là “biến” Đà Nẵng thành một Trung tâm tổ chức hội nghị, hội thảo kết hợp với du lịch nghỉ dưỡng cho những vị khách “đặc biệt” có thu nhập cao-các loại VIP trong và ngoài nước, là điều cần được chú ý.

Trước hết, với vị thế là thành phố lớn nhất miền Trung - nằm giữa cả nước, có bãi biển thuộc vào hàng đẹp nhất thế giới; có đủ sông, rừng, biển; sự mới mẻ của một thành phố phát triển mạnh mẽ, ổn định; sự trong lành của môi trường kinh tế, xã hội; sự hấp dẫn của rất nhiều những bước đột phá, những thay đổi ấn tượng, hiệu quả - sẽ là động lực để thu hút sự quan tâm, chú ý đa chiều, liên ngành của rất nhiều cơ quan Trung ương và các địa phương trên cả nước.
 
Trên thực tế, yếu tố đầu tiên là lợi ích kinh tế của trung tâm theo đúng nghĩa đen của từ này - tức là nơi tạo nên sự thuận lợi cao nhất, tiết kiệm nhất cho sự hội tụ, tập kết các nguồn khách (tương tự như khi xây dựng các thành phố thời thuộc địa, bưu điện trung tâm luôn được xây dựng ở trung tâm của mỗi thành phố). Đà Nẵng có lợi thế tối đa về ưu điểm này. Cảnh quan là yếu tố thứ hai vì việc tổ chức các hội nghị, hội thảo luôn bao gồm sự căng thẳng, nhịp độ làm việc cao nên con người rất cần sự thư giãn, khám phá về mặt văn hóa, thiên nhiên.
 
Chẳng hạn, trong thời kỳ chiến tranh thế giới thứ hai căng thẳng và khốc liệt nhất, ba người đứng đầu của ba nước Liên Xô, Mỹ, Anh đã chọn Yalta, thành phố đẹp nhất trên bờ biển Đen để tổ chức Hội nghị Yalta - quyết định đến trật tự thế giới suốt thời kỳ hậu chiến. Điều kiện giao thông vận tải thuận tiện, kể cả khả năng tăng tải lúc cần thiết; cơ sở hạ tầng tốt là yếu tố thứ hai. Ví dụ, những đoàn du khảo theo đường biển của sinh viên trên những con tàu lớn đi khắp thế giới hàng năm rất có thể chọn Đà Nẵng làm nơi để tổ chức các hội thảo, giao lưu, nếu chúng ta biết cách định hướng và tổ chức tốt. Điều kiện thứ tư là con người với sự cởi mở, thân thiện, chân thành, tạo nên sự mến khách, gần gũi với tất cả du khách. Đây là điều người xứ Quảng luôn có đủ và, cũng là niềm tự hào chính đáng của người và đất nơi đây. Điều kiện thứ năm là lãnh đạo, chỉ đạo.
 
Chẳng hạn, rất nhiều thành phố trên thế giới cạnh tranh quyết liệt về giá cả, ưu đãi để lôi kéo, thu hút càng nhiều hội nghị, hội thảo càng tốt. Lợi nhuận thu được trong nhiều năm đầu, thậm chí được tái đầu tư gần như 100% để tăng thêm tính ưu việt. Họ không cần đến những khoản lợi trực tiếp mà hướng đến những nguồn lợi gián tiếp, sự cộng hưởng của danh tiếng, sự kích thích đến các khách hàng tiềm năng... Tất cả những gì liên quan đến yếu tố trên đây đều tùy thuộc vào tầm nhìn, khả năng quan hệ đối ngoại (kể cả công tác đối ngoại với các tỉnh bạn, các cơ quan trung ương), công tác tổ chức cũng như việc thường xuyên tạo nên một môi trường sống ngày càng lành mạnh hơn.

Xét qua cả 5 yếu tố cần và đủ trên, chúng ta thấy rõ hầu hết là những điều Đà Nẵng đã và đang có. Những điều “sẽ có” thật sự nằm trong tầm tay và là những điều có thể hình dung được, nhìn thấy được.

Hãy mạnh dạn nghĩ đến một viễn cảnh trong một tương lai thật gần là khi Đà Nẵng trở thành một Trung tâm tổ chức hội nghị, hội thảo kết hợp với du lịch nghỉ dưỡng thì sẽ tạo nên những thay đổi lớn lao và quan trọng như thế nào! Hàng loạt các nhu cầu của các mối quan hệ cung cầu sẽ tăng tiến; lợi ích kinh tế tạo nên sự hợp lý và hiệu quả đồng bộ và, một khi đã là Trung tâm, thì tự nó, những thay đổi nội tại về nếp sống, vị thế, văn hóa sẽ trở nên cái tự nhiên sẽ đến, phải đến... Đó là những lợi ích không thể đong đếm rõ ràng nhưng ai cũng hiểu và hoàn toàn có thể cảm nhận thật đầy đủ, rõ ràng...

HÀ VĂN THỊNH
;
.
.
.
.
.