.

Làm gì trước cơn “bão giá”?

Trước Tết, Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng thông báo tăng giá nước sạch từ tháng 1-2011 lên từ 4.400 đồng đến 5.400 đồng mỗi mét khối (cho mức sử dụng đến 30m3 và trên 30m3/tháng) tại khu vực đô thị. Và các mức tương ứng ở khu vực nông thôn là 3.500 đồng và 4.300 đồng.
 
Đối với cơ quan hành chính thu giá 6.100 đồng/m3, sản xuất: 8.100 đồng và dịch vụ là 12.200 đồng/m3. Trước đó, UBND thành phố Đà Nẵng cũng quyết định quy định mức thu phí bảo vệ môi trường theo mức 19% trên phí tiêu thụ nước máy mỗi tháng đối với hộ gia đình, 18% đối với cơ quan hành chính và 21% đối với cơ sở kinh doanh. Như vậy chỉ riêng việc tiêu thụ nước sạch, người dân sẽ phải trả thêm ít nhất 40% số tiền trước đây.

Sau nước sinh hoạt, đến lượt giá vàng và đô la tăng vùn vụt. Theo Báo Đà Nẵng Cuối tuần, giá vàng tại Đà Nẵng ngày 19-2 liên tục “nhảy múa”, có thời điểm tăng lên trên 38,3 triệu đồng/lượng, đồng thời giá USD trên thị trường tự do lên đến 22.500 đồng/USD…

Từ ngày 15-2, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa cho báo chí biết các doanh nghiệp xăng dầu đang phải chịu lỗ 2.000 đồng mỗi lít. Quỹ bình ổn đã không còn nguồn để bù lỗ, vì vậy việc điều chỉnh giá bán phải tính tới. Thông tin trên dẫn đến việc nhiều cây xăng ở một số địa phương tự ý đóng cửa, gắn bảng “cúp điện”, hoặc “sửa chữa trụ bơm” nhằm găm hàng chờ giá lên, tạo ra một sự lo lắng mới ở người tiêu dùng…

Một thông tin nóng khác, ngày 19-2, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng chính thức công bố với báo chí về giá điện mới cho năm 2011: Thủ tướng Chính phủ đồng ý giá bán điện bình quân được tăng thêm 15,28% so với giá bình quân năm 2010. Như vậy, với mức tăng giá 15,28%, giá điện bình quân năm 2011 sẽ ở mức 1.241 đồng/kWh…

Theo ghi nhận của nhiều tờ báo từ sau Tết đến nay, từ giá nhà trọ, hàng ăn, rau quả, thực phẩm… đều tăng. Báo Lao Động dẫn nguồn tin từ Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) nhận định: Trong tháng 2 là tháng Tết và sau Tết, tình hình thị trường có một số yếu tố tác động như: Nhu cầu về hàng hóa dịch vụ dự báo tăng 20%. Do nghỉ Tết kéo dài, sau Tết lại có nhiều lễ hội, nhu cầu đi lại, du lịch, mua sắm của người dân gia tăng; sức mua có khả năng thanh toán tăng nhanh do lượng kiều hối và đầu tư gia tăng... Tình hình thời tiết, dịch bệnh có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là rét đậm, rét hại, hạn hán tại miền Bắc... sẽ gây sức ép làm tăng giá lương thực, thực phẩm.

Chi phí gia đình tăng lên rõ rệt trong tháng Giêng này trong lúc thu nhập (từ cả lương và các thu nhập khác của người không ăn lương) không tăng lên đang là nỗi lo của nhiều người. Trong khi đó lãi suất tiền đồng ở mọi dịch vụ tín dụng đều tăng khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa dù có cơ hội làm ăn cũng không dám vay; dẫn đến sản xuất đình trệ. Cơ hội việc làm và tiền lương với nhiều lao động đô thị vì vậy càng bị bóp ngặt…
Giải quyết tất cả tình trạng trên không thể một sớm một chiều, cũng không thể từ những quyết định đơn lẻ của công dân. Đây là bài toán kinh tế mang tầm vĩ mô. Nhưng chúng ta có thể làm gì trước tình hình đó? Chẳng lẽ cứ ngồi kêu trời hoặc than trách cho hả giận?

Mà giận ai? Theo tôi, trước hết mỗi người hãy cứ tự giận mình trước! Giận thói quen tiêu dùng theo phong trào, thích chơi nổi, chỉ có hàng hiệu mới oai. Mỗi người, mỗi gia đình, tuy chưa đến nỗi thắt lưng buộc bụng, nhưng cần tính toán lại kế hoạch chi tiêu hằng ngày trong cơn bão giá hiện nay. Giảm các kế hoạch chi tiêu chưa cần thiết như đi du lịch, mua sắm hàng đắt tiền để tránh cảnh “lạm phát gia đình” và tập trung ưu tiên cho những chi phí về học hành của con em, đầu tư cho những công việc khả dĩ sinh lợi dù nhỏ nhất, thậm chí tắt bớt những thiết bị hao tốn điện năng trong nhà để giảm chi…

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG
;
.
.
.
.
.