Sự kiện thứ nhất: Một loạt cây xăng ở nhiều địa phương trong cả nước đang có hiện tượng ngấm ngầm hoặc công khai, hạn chế bán ra, thậm chí đóng cửa chờ tăng giá… đã và đang gây rất nhiều khó khăn, bất bình đối với người tiêu dùng.
Cũng nên nhắc lại rằng, bơm xăng lâu nay là lĩnh vực “siêu lợi nhuận”, bên bơm nhận xăng từ đơn vị đầu mối cung cấp, bán, hưởng hoa hồng, và trên thực tế không dễ mấy ai chen chân được vào lĩnh vực đặc quyền này. Mặc dù Bộ Công thương đang chỉ đạo quyết liệt, tuyên bố đóng cửa, rút giấy phép, thậm chí hình sự hóa các cây xăng có biểu hiện cố tình chống lại quyết định của cơ quan quản lý, nhưng xem ra tình hình vẫn chưa được cải thiện.
Sự kiện thứ hai: Sau quyết định nâng tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước những tưởng thị trường sẽ bình ổn trở lại. Nhưng không, tỷ giá thị trường tự do tiếp tục khuynh đảo và thao túng, thậm chí mới đây có kẻ xấu còn tung tin rằng sắp phát hành giấy bạc mệnh giá 1 triệu đồng(!). Để chỉ ra ai là người đứng sau và hưởng lợi từ sự thao túng thị trường này không phải dễ dàng, nếu không có quyết tâm cao. Những kẻ đầu cơ tỏ ra có quá nhiều đất để dung thân, trong khi các cơ quan quản lý dường như vẫn rất lúng túng, mãi họp bàn nhiều giải pháp để ổn định thị trường ngoại tệ nhưng gần như chưa tìm thấy lối ra khả thi?
Bản chất của nền kinh tế là sự vận dụng đúng đắn các quy luật chi phối sự vận hành của thị trường. Tuy nhiên, để có thể nắm bắt và vận dụng đúng quy luật, cần có nền tảng pháp luật nghiêm minh, tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ để các chủ thể trên thương trường hiểu và hành động trong phạm vi cho phép. Giá xăng có ảnh hưởng trực tiếp nhiều mặt đến sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân, do vậy việc Nhà nước chấp nhận bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để kiềm giá là chủ trương đúng đắn, vì đại cục nền kinh tế, trong khi một số cá nhân lại cố tình làm ngược lại là điều không thể chấp nhận được.
Tương tự, phần lớn nguồn thu chi ngoại tệ đều tập trung vào hệ thống tài chính Nhà nước và ngân hàng thương mại, tuy nhiên việc tỷ giá chính thức lâu nay thường rượt đuổi theo tỷ giá chợ đen lại là thực tế được mặc nhiên thừa nhận, gây nhiều phản cảm trong dư luận. Trong khi đó về mặt pháp luật, hệ thống văn bản quy định về quản lý và sử dụng ngoại tệ đã được ban hành khá chặt chẽ, tuy nhiên việc tổ chức thực hiện nhiều năm qua dường như hiệu quả chưa cao, ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận dân chúng chưa nghiêm.
Một khi sự nghiêm minh của pháp luật bị hạn chế trong thực tiễn, đó chính là mầm mống dẫn đến nhiều kẽ hở không thể kiểm soát được. Lỗ rò nhỏ vẫn có thể làm hỏng con tàu. Nguy hiểm hơn, nhiều lỗ rò nhỏ sẽ làm chìm tàu. Việc khẩn trương xem xét, đánh giá lại hiệu lực thực thi pháp luật trên mọi lĩnh vực nói chung, đặc biệt là đối với những điểm nóng trong nền kinh tế hiện nay, là vấn đề cần sớm được cân nhắc một cách tổng thể và đồng bộ.
THANH THỦY