Tại một hội nghị kiến trúc sư Đà Nẵng cách đây 5 năm, ông Phạm Sỹ Chức từng phát biểu: “Đất Đà Nẵng nói thiếu cũng được mà nói còn nhiều cũng được. Vấn đề là công tác quy hoạch hợp lý!”.
Khi tôi đề nghị ông giải thích, vị kiến trúc sư thuộc hàng lão làng này cho rằng Đà Nẵng nên phát triển đô thị về phía Đông-Đông Nam và vùng gò đồi phía Tây-Tây Bắc để giữ lại cho được dòng chảy và khả năng thoát lũ của các sông khi có lũ lụt lớn… Ý kiến đó của ông nhận được nhiều sự đồng tình của giới chuyên môn và trong những năm qua, trên thực tế không gian đô thị Đà Nẵng chủ yếu đã phát triển theo các hướng đó. Cả một khu đô thị Tây Bắc đang hình thành, nhiều khu đô thị khác thuộc các quận Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang đã nhanh chóng mọc lên cùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng phúc lợi văn hóa-xã hội kèm theo. Có thể nói, TP. Đà Nẵng với quy mô 1,5 triệu dân trong mười năm nữa sẽ có nhiều khu trung tâm, khu đô thị vệ tinh được kết nối bằng hệ thống giao thông hiện đại sẽ tránh được nạn kẹt xe, ô nhiễm mà các đô thị khác đã phải chịu đựng như một khổ nạn. Đó là những tính toán hướng đến phát triển bền vững của một đô thị hiện đại.
Nhưng cũng đã có nhiều khu quy hoạch mới lấn sông, lấn biển, san lấp đất nông nghiệp được xây dựng trong thời gian đó với sự tính toán cần thiết về thủy văn, cao trình, dòng chảy... đặc biệt vào mùa cao điểm lũ lụt mỗi năm khi hệ thống các sông Thu Bồn-Vu Gia, kể cả các hồ chứa thủy điện, đổ về. Các khu vực thấp gồm ruộng lúa ở Hòa Vang, hồ bàu và bãi bồi ven sông Yên, sông Cẩm Lệ, sông Cổ Cò, sông Cái (chảy giữa 2 phường Hòa Quý và Hòa Hải) theo các nhà quy hoạch cần được giữ lại để làm vai trò “bể chứa” mang tính trung chuyển khi lưu lượng nước chưa kịp chảy ra biển và hạn chế lưu tốc mạnh có thể gây sạt lở vào mùa lũ…
Đó là một thứ “của để dành” mà thiên nhiên đã tạo ra để đề phòng bất trắc cho con người. Nhiều đô thị ở phía Nam và phía Bắc đã chịu cảnh ngập úng do vội san lấp ao hồ, làm nghẽn các dòng chảy trong thời gian qua cho thấy một hậu quả khá nhãn tiền và cứ đổ thừa do “triều cường”, do “biến đổi khí hậu” mà quên đi nguyên nhân “do nóng vội” của chính con người đã quên đi việc biết sống thuận cùng thiên nhiên.
“Của để dành” là các bãi bồi dọc sông Cẩm Lệ tuy chỉ rộng trên dưới vài chục hécta, hôm 18-2 vừa qua đã được các nhà quy hoạch, quản lý xây dựng và lãnh đạo Đà Nẵng thống nhất không tiếp tục quy hoạch xây dựng các khu biệt thự hay đô thị sinh thái khi mà dòng chảy trên các sông liên quan hiện nay chưa ổn định là một hướng đúng, có tranh luận, có cân nhắc. Không những vậy, với những động thái hướng đến phát triển bền vững, biết sống thuận với thiên nhiên của các nhà chuyên môn hiện nay, theo tôi, cũng cần tính toán thêm ở khu sinh thái Hòa Xuân, ít nhất dành được một diện tích khả dĩ ven các bờ sông Cẩm Lệ, sông Cái, khu vực Hói Kiểng theo cao trình hiện có và sớm khai thông sông Cổ Cò để tạo khả năng cho thoát lũ khi cần thiết.
Tôi đã tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2006 khi ông đến chỉ đạo việc khắc phục lũ lụt ở Quảng Nam. Khi nghe báo cáo về việc hàng trăm tỷ đồng xây dựng đập Đại Cường lại tiếp tục trôi sông, ông đã đề nghị các nhà khoa học nghiên cứu cẩn thận quy luật của thiên nhiên khi xây dựng các công trình trên sông nước. Ông nhấn mạnh: “Phải hiểu quy luật để biết sống thuận theo thiên nhiên mới tính đến phát triển bền vững được, chống lại thiên nhiên là chết chứ không phải chỉ tốn tiền tốn của đâu, các đồng chí ạ!”.
NGUYỄN SÔNG HÀN