.

Tết ngoại thành

Năm nay mọi người nghỉ Tết đến 8 ngày. Sau một năm làm ăn tất bật, đó là thời gian quý báu để nghỉ ngơi, lấy lại sức khỏe, thăm viếng, thực hiện những nghi thức tưởng nhớ tổ tiên theo truyền thống… Tôi cũng như nhiều người lại chọn cách ra ngoại thành nghỉ Tết để được hít thở không khí trong lành, thăm lại người thân. Đây là lần đầu tiên sau nhiều thập niên tôi sung sướng được tắm trong không khí lễ hội ở nông thôn.

Chiều 29, 30 Tết được tham dự nấu bánh tét, mổ heo của các gia đình người thân để chuẩn bị cho việc rước ông bà như hồi nhỏ. Sáng mồng một cùng nhập vào dòng người đông đúc đi viếng mộ tổ tiên, đến nhà thờ tộc họ đốt nhang tưởng nhớ các bậc tiền bối. Lại vào sân đình làng dự xem các tuồng hát bội và nghe tiếng trống chầu giục giã từ tối mồng hai hay hồi hộp nghe tiếng hô bài chòi ở nhiều ngõ xóm thật sinh động. Đến mồng bốn lại dự buổi gặp mặt và tuyên dương hơn 50 sinh viên vừa vào đại học và buổi tối đến sân nhà Văn hóa thôn xem chương trình văn nghệ “cây nhà lá vườn” của các bạn thanh niên địa phương…
Kể ra, sinh hoạt văn hóa trong dịp Tết như vậy ở nông thôn cũng khá phong phú.
 
Nhưng có quan sát kỹ lưỡng (ở nhiều thôn xóm trong vùng) mới thấy được mặt sau của ngày Tết nông thôn. Chỉ những người lớn tuổi mới đi xem tuồng và chơi bài chòi. Chỉ có các bạn đoàn viên thanh niên và các em thiếu niên mới say sưa với chương trình văn nghệ, nhiều người chỉ đứng xem được nửa chương trình đã nổ xe máy bỏ đi; và không phải bạn trẻ nào cũng đi viếng nhà thờ nếu thiếu sự hướng dẫn của các bậc phụ huynh… Đa số những người trẻ tuổi và trung niên ở nông thôn thiếu hẳn những môn giải trí hấp dẫn và phù hợp đã chen chúc vào các sòng bạc (đánh bài ù, xì phé, xập xám…); các ngã ba, ngã tư là các bàn bầu cua tôm cá đông nghịt từ sáng đến đêm khuya, cản trở cả sự đi lại… Nhiều sòng bài chơi thâu đêm suốt sáng.

“Những ai không cờ bạc, chỉ biết sa vào các mâm nhậu và quán cà-phê hoặc kéo nhau chạy xe máy đi vòng vòng…”; một thanh niên kể.

Ngày mồng hai tôi gặp một thanh niên có vợ và con nhỏ đã nướng hết 2,5 triệu đồng vào trò “bầu cua” trong lúc tiền mua sữa cho con hằng ngày phải chạy đôn chạy đáo. Một chức sắc ở thôn kể có hai người khác hùn hạp cầm cái bầu cua ở làng bên sau ba ngày đã kiếm hơn trăm triệu. Đứa cháu họ nhà tôi, không rõ thắng thua, nhưng đến sáng ngày mồng bốn mới về tới nhà và vùi đầu vào ngủ, không thiết cả ăn uống. Có một bạn trẻ đi làm công ở TP. Hồ Chí Minh về quê ăn Tết đã nướng đến 18 triệu đồng trong những cuộc đỏ đen…

Sáng mồng 5, tôi uống cà-phê sớm với một lãnh đạo xã và một bí thư chi bộ thôn. Chúng tôi đã nói chuyện về nạn cờ bạc, rượu chè ở nông thôn. Các anh ấy nói rằng mâu thuẫn cố hữu ở nông thôn vẫn là thiếu các thiết chế văn hóa, cho cả người lớn lẫn sân chơi cho trẻ em. Bây giờ nghỉ Tết dài ngày hơn, sự thiếu vắng ấy lại càng bộc lộ ra sâu sắc hơn, mà các trò đỏ đen luôn luôn là những cạm bẫy hấp dẫn giới trẻ. Nhà nước đầu tư vào các thiết chế văn hóa cho nông thôn hay huy động sự tham gia đầu tư của xã hội? Đó cũng là bài toán khó giữa mức đầu tư và khả năng thu hồi vốn; chưa kể đến nội dung hoạt động vì thiếu kỹ năng, lực lượng lao động trẻ có kiến thức hằng ngày lại phải tản mác đi làm ở khu vực đô thị xa…

Ngày Tết dân tộc được nghỉ ngơi nhiều hơn những dịp lễ khác là hết sức cần thiết. Nhưng, đối với khu vực nông thôn, Nhà nước cần có những tính toán và đầu tư hợp lý để giải quyết cơ bản những tiêu cực như vừa kể.

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG
;
.
.
.
.
.