.

Tìm lời giải cho bài toán tỷ giá

Đến hẹn lại lên, tỷ giá VND/USD về cuối năm lại tăng cao. Và năm này cũng thế, càng về cuối năm tỷ giá lại càng căng thẳng. Nhưng không như mọi năm tỷ giá được điều chỉnh ngay lúc mới chớm biến động, mà để đến sau Tết Nguyên đán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới cho quyết định điều chỉnh tỷ giá.

Tăng tỷ giá là tình hình mà các doanh nghiệp cũng như giới đầu tư đều đã có dự đoán từ trước, nhưng khi NHNN quyết định điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng lên 9,3% và thu hẹp biên độ về +/-1% lại khiến cho thị trường vốn đã nóng lại càng thêm nóng. Trong vài tháng trở lại đây, thị trường ngoại hối lại trở nên hết sức căng thẳng. Tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do tăng liên tục, có lúc lên gần 22.000 VND/USD.

Khi tỷ giá tăng vượt trần, một cách tự nhiên, người dân rất quan tâm theo dõi động thái của NHNN. Thế nhưng, phát biểu tại phiên họp mở rộng của Ủy ban Kinh tế Quốc hội hôm 15-2, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu nói: Từ tháng 10 năm trước, khi xuất hiện dấu hiệu mất cân đối, làm căng cứng tỷ giá, NHNN đã đề nghị điều chỉnh tỷ giá vào tháng 11-2010. Nhưng các Bộ trưởng (tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ) đã không ủng hộ đề nghị với lý do có thể gây lạm phát. Theo ông, “Bài toán tỷ giá còn khó giải một khi vẫn còn nhập siêu”.

Do không chỉ bị giới hạn bởi thẩm quyền, NHNN còn phải đối mặt với một số vấn đề có tính đặc thù của nền kinh tế, khiến cho các công cụ và hiệu lực của chính sách tiền tệ càng trở nên khó hơn. 

Điều này càng khó hơn khi trong hoàn cảnh mà sự chênh lệch tỷ giá giữa hai kênh chính thức và phi chính thức còn tồn tại, buộc các tổ chức tín dụng phải rất cẩn trọng và dè dặt khi cho vay hay bán USD, khiến người mua hay đi vay USD không được thỏa mãn bỗng thấy USD có giá hơn thực tế. Sự chênh lệch lớn giữa tỷ giá chính thức và thị trường tự do là một cơ hội không thể bỏ qua cho giới đầu cơ tìm kiếm lợi nhuận từ chênh lệch giá này. Mặt khác, một khi chế độ tỷ giá gần như cố định, chủ yếu nhằm hỗ trợ khu vực doanh nghiệp Nhà nước vốn thâm dụng nhập khẩu và vay nợ nước ngoài cao, hệ quả là NHNN phải thường xuyên can thiệp vào thị trường ngoại hối để duy trì tỷ giá. Điều này tạo ra thêm một ràng buộc cho chính sách tiền tệ, đồng thời tiềm ẩn rủi ro cho dự trữ ngoại hối.

Quy luật chung vẫn là cái gì hiếm hay hiếm giả tạo lại được một lực nâng đỡ rất lớn của thị trường, và giá USD trong bối cảnh này lại được sức phát huy. Nên rất dễ hiểu là tại sao tỷ giá VND/USD liên tục tăng mà không thấy giảm trong thời gian qua! Điều này càng dễ dàng nhận thấy hơn khi Việt Nam là một nước liên tục nhập siêu với quy mô ngày một lớn. Trong 25 năm gần đây đã có tới 24 năm là nhập siêu. Như vậy, cầu về USD ngày càng cao hơn cung và tỷ giá tăng lên là điều tất yếu.

Đầu tư nhiều nhưng hiệu quả kém khiến lạm phát trở thành nỗi lo thường trực. Không những thế, vì hoạt động sản xuất và tiêu dùng ở Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu, đồng thời do tiền đồng thường bị định giá cao nên thâm hụt thương mại đã trở thành cái bóng đi theo tăng trưởng. Lạm phát cao, thâm hụt thương mại lớn, và dự trữ ngoại hối suy giảm khiến tiền đồng thường xuyên phải chịu sức ép giảm giá.
Trong khuôn khổ thể chế và bối cảnh nền kinh tế hiện nay, NHNN dù muốn cũng không thể tự mình giải quyết bài toán tỷ giá. Nguyên nhân không chỉ nằm ở giới hạn về thẩm quyền của NHNN và hiệu lực của chính sách tiền tệ, mà còn nằm ở chính cơ cấu của nền kinh tế. Việt Nam không thực hiện chính sách thả nổi tỷ giá, tỷ giá VND/USD biến động có sự kiểm soát của Nhà nước. Tuy nhiên, việc kiểm soát có thể đạt được mục đích hay không thì lại dựa vào các công cụ mà Nhà nước có trong tay, gồm có giải pháp thị trường (dự trữ ngoại tệ của Việt Nam) và biện pháp hành chính.

Việc điều chỉnh lãi suất cơ bản, qua đó phát tín hiệu về xu hướng thắt chặt tiền tệ, đồng thời giúp nới rộng chênh lệch lãi suất giữa tiền đồng và đô-la Mỹ là một bước đi đúng hướng. Trong chính sách hỗ trợ lãi suất, ưu tiên cho giảm dần lãi suất cho vay, thì việc giảm biên độ dao động tỷ giá này một lần nữa chứng minh cho sự quan tâm của Nhà nước đến lĩnh vực này.

PHƯƠNG UYÊN
;
.
.
.
.
.