Quyết định mới đây của NHNN về việc điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng từ mức 18.932đồng lên mức 20.693đồng/một USD, đồng thời thu hẹp biên độ giao dịch từ +/- 3% xuống còn +/-1. Mặc dù mức tăng lần này thuộc diện “khủng” trong lịch sử điều hành tỷ giá (+ 9,3%) tuy nhiên vẫn được đánh giá là động thái tích cực, đáp ứng được đòi hỏi bức xúc của thị trường.
Việc duy trì quá lâu sự chênh lệch quá lớn (gần 10%) giữa tỷ giá chính thức và tỷ giá tự do trong bối cảnh có nhiều biến động đã gây ra nhiều khó khăn cho hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp. Hậu quả là cung cầu bị méo mó, hạch toán bị biến dạng, điều nguy hiểm là sự bành trướng của hiện tượng “hai giá” ngày càng lớn thì càng làm mất lòng tin vào khuôn phép điều hành và tính công khai minh bạch của thị trường. Tất nhiên, tỷ giá “chợ đen” không thể là thước đo chính của cơ chế xác định tỷ giá điều hành, do tính “hổ lốn” của nó trong việc phản ánh các nhu cầu ngoại tệ thật - ảo trên thị trường, tuy nhiên đây là hiện tượng thực tế cần được lưu ý đến khi muốn thẩm định tác động thực sự của cơ chế điều hành tỷ giá.
Thông điệp quan trọng khác được NHNN đưa ra sau quyết định điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng đó là cần tăng cường tính linh hoạt trong hoạt động điều hành, chủ động bám sát và tác động lên cung cầu ngoại tệ, qua đó góp phần đẩy mạnh xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, cải thiện cán cân thanh toán. Vấn đề quan trọng là cần đổi mới tư duy điều hành tỷ giá theo hướng thị trường hóa nhiều hơn thay cho biện pháp hành chính hóa, qua đó vực dậy sức mạnh chi phối của thị trường ngoại tệ chính thức, thu hẹp dần sự khuynh đảo của thị trường chợ đen, kể cả xác định những giải pháp quá độ mang tính khả thi nhằm giải quyết bài toán tình trạng đô la hóa?
Một cơ chế tỷ giá được xem là linh hoạt không cho phép lập lại tình trạng cố định quá lâu “thời gian sống danh nghĩa” của tỷ giá liên ngân hàng được công bố, mà cần thiết phải rút ngắn, chủ động cập nhật kịp thời theo tín hiệu thị trường (Trên thực tế, mức tỷ giá 18.932đ/1USD đã duy trì gần 7 tháng trước khi điều chỉnh cho dù thị trường đã có nhiều thay đổi ?). Bên cạnh đó, cần đề cao hơn nữa vai trò của hệ thống ngân hàng thương mại trên thị trường ngoại tệ, nâng cao ý thức chấp hành nghiêm túc giữa người mua và người bán, mức giá mua bán hàng ngày phải được niêm yết công khai rộng rãi và được phản ánh đúng mức vào tỷ giá liên ngân hàng do NHNN công bố.
Mối quan tâm lớn nhất của quyết định điều chỉnh tỷ giá lần này chính là những tác động, hệ quả đối với chủ trương kiềm chế lạm phát, giảm lãi suất, duy trì tăng trưởng kinh tế và ổn định an sinh xã hội sẽ diễn ra theo chiều hướng nào? Như một phản ứng dây chuyền, tỷ giá tăng mạnh trước mắt sẽ kéo theo tăng giá một số mặt hàng chủ yếu, nhất là những lĩnh vực có liên quan đến xuất nhập khẩu.
Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng, tỷ giá chỉ tạo ra những biến động nhất thời, còn lạm phát, lãi suất, tăng trưởng là những biến số dài hạn và phụ thuộc phần lớn vào việc vận dụng có hiệu quả các công cụ điều hành khác của chính sách tiền tệ và tài khóa. Việc chủ động tạo ra “bước nhảy tỷ giá” để sau đó thiết lập sự thăng bằng và xung lực mới cho nền kinh tế tất yếu là việc nên làm, là tiền đề cần thiết cho ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai những quyết sách mới trong thời gian đến. Điều quan trọng có thể khẳng định là mọi việc đang đi đúng hướng và đang nằm trong tầm kiểm soát, một khi lòng tin vào chính sách được khôi phục thì sẽ có căn cứ để tin vào những tiến bộ trong thời gian đến.
THANH THỦY