.

4 nhóm giải pháp

Mục tiêu năm 2011 được Chính phủ xác định rõ trong Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24-2-2011 là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, trong đó ưu tiên hàng đầu là kiềm chế lạm phát. Để thực hiện mục tiêu quan trọng này, ngày 1-3-2011 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về thực hiện giải pháp tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội.

Trong bài viết này, chúng tôi tập trung bàn về những giải pháp tiền tệ, ngân hàng trong năm 2011 để kiểm soát lạm phát:

Thứ nhất: Tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế không quá 20%. Đây là chỉ tiêu quan trọng bậc nhất trong hoạt động của ngành Ngân hàng năm 2011. Cần nhớ lại rằng, trong năm 2010, lạm phát của Việt Nam là 11,75%. Mặc dù theo đánh giá của Chính phủ, mức lạm phát này không xuất phát chủ yếu từ nguyên nhân tiền tệ mà

lạm phát cầu kéo, lạm phát chi phí đẩy (do ảnh hưởng của kinh tế thế giới), nhưng trong năm 2011, Ngân hàng Nhà nước đã phải chủ động giảm cung tiền để phòng tránh nguy cơ lạm phát có thể diễn ra. Việc giảm cung tiền thông qua ấn định chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng không quá 20% là biện pháp chủ động, tích cực của Ngân hàng Nhà nước nhằm làm giảm sức ép lạm phát xuất phát từ nguyên nhân tiền tệ. Tại địa bàn thành phố Đà Nẵng, tổng dư nợ tín dụng đến cuối năm 2010 là 45 ngàn tỷ đồng. Đến cuối năm 2011 dự tính cũng chỉ đạt khoảng 54 ngàn tỷ dư nợ là tối đa. Mức dư nợ này là định hướng, vì các Chi nhánh Ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố còn chịu sự chi phối từ kế hoạch kinh doanh của Hội sở. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước thành phố sẽ tăng cường kiểm soát chỉ tiêu này ở mức hợp lý.

Thứ hai, các NHTM phải giảm dần tỷ trọng cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất (bao gồm cho vay tiêu dùng, cho vay bất động sản và cho vay chứng khoán). Đối với một số NHTM, đây là lĩnh vực cho vay mang lại nhiều lợi nhuận cao nhưng đồng thời cũng mang lại nhiều rủi ro. Theo yêu cầu tại Chỉ thị 01 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 30-6-2011, dư nợ cho vay phi sản xuất chiếm 22% so với tổng dư nợ và đến 31-12-2011, con số này là 16%. Vì vậy, các đối tượng khách hàng liên quan đến lĩnh vực này cần chủ động thu xếp nguồn vốn để bảo đảm yêu cầu của mình, không thể và cũng không nên trông chờ vào các NHTM.
 
Việc giảm tỷ trọng cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất đồng nghĩa với việc 20% vốn tín dụng tăng thêm trong năm 2011 sẽ được dồn hết cho lĩnh vực sản xuất, trong đó ưu tiên cho nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, cho doanh nghiệp vừa và nhỏ… Như vậy, mặc dù kiềm chế lạm phát nhưng lĩnh vực sản xuất vẫn có cơ hội phát triển. Tại địa bàn Đà Nẵng, dư nợ lĩnh vực phi sản xuất vào thời điểm 31-12-2010 là 29%. Ngân hàng Nhà nước cũng đã có kế hoạch giám sát mức dư nợ này để có thể giảm thấp theo yêu cầu của Ngân hàng Trung ương.  

Thứ ba, về lãi suất. Trong điều kiện hiện nay, lãi suất cho vay đối với các thành phần kinh tế vẫn còn cao. Một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến lãi suất cho vay cao, có nguyên nhân từ việc các NHTM huy động với lãi suất cao. Ngày 3-3-2011,Thống đốc NHNN đã ban hành Thông tư 02 quy định  các NHTM chỉ được huy động tiền gửi của tổ chức, cá nhân không quá 14%/năm. Thực tế, so với mức lạm phát trong 2 tháng đầu năm 2011, mức lãi suất huy động tối đa 14%/năm là đã có tính đến yếu tố thực dương và bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền.
 
Các NHTM cần thiết phải thực hiện đúng đắn mức lãi suất này. Các cá nhân, doanh nghiệp không nên đòi hỏi NHTM trả cho mình mức lãi suất vượt quy định. Trong cơ chế thị trường, ai cũng quan tâm đến lợi ích của mình, nhưng điều quan trọng hơn là biết cân bằng lợi ích. Một khi mặt bằng lãi suất đầu vào được duy trì ở mức ổn định, lạm phát sẽ dịu dần và các doanh nghiệp có điều kiện vay vốn với lãi suất thấp, sản xuất kinh doanh lúc đó có điều kiện phát triển, kinh tế sẽ ổn định và người dân cũng như các doanh nghiệp sẽ là người thụ hưởng thành quả tốt đẹp đó.
 
Thứ tư, về vấn đề quản lý ngoại hối. Theo tư tưởng chỉ đạo của Chính phủ cũng như của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tỷ giá năm 2011 sẽ được điều chỉnh linh hoạt theo thị trường,  nghĩa là có lên có xuống theo cung cầu của thị trường chứ không hẳn chỉ có một chiều lên. Mặt khác, Nhà nước sẽ tăng cường kiểm soát việc giao dịch, mua bán, găm giữ ngoại tệ trái pháp luật, từ đó sẽ điều tiết được tình hình ngoại tệ, bảo đảm cung ứng cho những nhu cầu thiết yếu của nền kinh tế. Những nhu cầu xa xỉ cần đến ngoại tệ sẽ không được đáp ứng. Việc giao dịch, mua bán ngoại tệ cũng sẽ được thiết lập trong vòng trật tự. Như vậy, việc ổn định ngoại hối chắc chắn đạt được mong muốn. Mọi hành vi mua, bán, găm giữ ngoại tệ trái pháp luật sẽ được ngăn chặn và xử lý nghiêm, phù hợp với pháp luật hiện hành.
 
Để thực hiện 4 nhóm công việc này, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước thành phố đã đề ra các giải pháp cụ thể: (1) Thành lập Tổ công tác đặc biệt có nhiệm vụ thường xuyên theo dõi việc thực hiện và có kiểm tra giám sát tình hình chấp hành, công tác báo cáo, xử lý vi phạm tại các NHTM. (2) Quy định tăng tần suất báo cáo của các NHTM lên mỗi tuần một lần, các đơn vị phải báo cáo diễn biến tình hình cho NHNN nắm bắt kịp thời để phản ánh cấp trên và có những khuyến cáo phù hợp. (3) Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện Thông tư 02 về mức lãi suất huy động, kiểm tra mua, bán ngoại tệ, cho vay ngoại tệ… (4) Thường xuyên chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin, báo chí để cung cấp rõ tình hình chung về hoạt động Ngân hàng trên địa bàn, góp phần tăng cường hiểu biết cho công chúng về lĩnh vực ngân hàng, nhằm tạo sự đồng thuận của xã hội đối với những chủ trương, chính sách và việc làm cụ thể của ngành.

Thực hiện tốt bốn nhóm công việc trên đây, ngoài sự cố gắng, nỗ lực của ngành ngân hàng và sự chỉ đạo, hỗ trợ của lãnh đạo thành phố và các ban, ngành có liên quan, cần có sự tham gia hưởng ứng, giám sát của toàn thể nhân dân trên địa bàn thành phố. Được như vậy thì mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2011 sẽ trở thành hiện thực.

VÕ MINH
;
.
.
.
.
.