.

Cơ chế giải quyết rủi ro

Một cơ chế giải quyết rủi ro đã được hình thành mà nền tảng là sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, doanh nghiệp trong việc đưa lao động Việt Nam tại Libya về nước. Nhận định của ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam, đã đề cập đến một trong những kinh nghiệm quý báu trong hoạt động bảo hộ công dân và người lao động ở nước ngoài cũng như giải quyết tai họa bất ngờ…

Chuyến bay cuối cùng mang theo 209 lao động đã đáp xuống sân bay Nội Bài lúc 7 giờ 50 ngày 9-3, đánh dấu thành công của sứ mệnh giải cứu toàn bộ người Việt Nam khỏi Libya. Như vậy, 8.728 lao động đã về nước an toàn, còn những lao động khác về bằng đường biển trong vài ngày tới. Những thông tin được đăng tải và phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng ngày 9-3 mang lại niềm vui cho hàng ngàn gia đình, nhất là với những người chờ đợi đón người thân trở về từ vùng đất dữ xa xôi. Đây là chiến dịch sơ tán lao động lớn chưa từng có của Việt Nam - Thứ trưởng Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng đã phát biểu trong niềm xúc động. Chiến dịch này đã được dồn toàn lực bằng sự chung tay của Chính phủ, các cấp, ngành cùng sự chia sẻ của người dân cả nước, để rồi Việt Nam là quốc gia đầu tiên sớm hoàn thành công tác sơ tán toàn bộ công dân của mình từ Libya về nước an toàn.

Phản ứng kịp thời và quyết liệt của Chính phủ đối với tính mạng của người lao động tại Libya đã làm nức lòng người dân. Thành công của chiến dịch ngoài việc nhờ vào sự hỗ trợ của Chính phủ Tunisia, các tổ chức quốc tế, đáng kể nhất chính là vào sự tận tâm và nỗ lực, trong đó có cơ chế giải quyết rủi ro phù hợp, việc chủ động quản lý lao động, nắm bắt vụ việc, phối hợp với các cơ quan liên quan để kịp thời xử lý. Thứ trưởng Đoàn Xuân Hưng cho rằng, thành công là do sự theo sát, đánh giá đúng tình hình và khẩn trương tổ chức các kế hoạch ngay từ đầu. Việc thành lập Ban chỉ đạo tình hình người lao động Việt Nam tại Bắc Phi và Trung Đông có ý nghĩa hết sức quan trọng để làm rõ được trách nhiệm của từng bộ, từng ngành, từ đó có những phương án giải quyết cụ thể. Rồi thông tin về việc sẵn sàng tiếp nhận việc làm đối với 10.000 lao động khi trở về nước càng tạo được sự phấn chấn và niềm tin vào chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước.

 Xuất khẩu lao động là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước nhằm giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo bền vững. Nhưng việc xuất khẩu lao động cũng tiềm ẩn những rủi ro bất ngờ nên việc hình thành một cơ chế giải quyết rủi ro luôn là điều cần thiết. Hơn ai hết, chính những người lao động ở nơi đất khách quê người rất cần sự hỗ trợ, can thiệp kịp thời của Chính phủ cùng các cơ quan đại diện Việt Nam.
Câu chuyện Chile về việc giải cứu thành công 33 thợ mỏ vào năm ngoái là bài học cảm động về tình người, về sự chung tay vào cuộc của Chính phủ, từ người lãnh đạo cao nhất đến người nắm giữ trọng trách ở địa phương, với mục đích cuối cùng là bảo đảm an toàn cho từng sinh mạng, cho dù họ chỉ là những người dân rất đỗi bình thường. Nay câu chuyện của Việt Nam ngoài việc mang lại những bài học kinh nghiệm còn làm lay động bao trái tim của đồng bào cả nước và Việt kiều đang sinh sống ở nước ngoài.

TÚ PHƯƠNG

 

;
.
.
.
.
.