Ngày 2-3, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Văn Minh và lãnh đạo Đại học Đà Nẵng đã làm việc với Đoàn khảo sát nghiên cứu khả thi Trường Đại học đẳng cấp quốc tế Việt Nam - Vương quốc Anh do Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam Robin Rickard dẫn đầu. Một kết quả được đông đảo các sinh viên mong đợi là hai bên thống nhất xúc tiến các bước cần thiết để “Đại học đẳng cấp quốc tế Việt - Anh” có thể chính thức giảng dạy vào tháng 9-2012.
Thông tin trên diễn ra đồng thời với bài báo trên tạp chí The Chronicle of Higher education ngày 27-2 về nỗ lực xây dựng nền đại học “World class” ở xứ sở Kim chi. Đại học Sogang tăng cường thêm 60 giáo sư nước ngoài trong 4 năm tới và nâng thời gian giảng dạy bằng tiếng Anh lên 50%. Trong 5 năm qua, Seoul có hai trường đại học hàng đầu là Kaist (Khoa học-công nghệ) và Postech (Pohang) đã thuê hàng trăm giáo sư từ Mỹ và châu Âu để nâng cao chương trình giảng dạy.
Dự án “Đại học đẳng cấp quốc tế” của Chính phủ Hàn Quốc năm ngoái đã tài trợ 752 triệu USD để các đại học thuê được các giáo sư danh tiếng. Riêng Đại học Seoul (trong danh sách bình chọn của tạp chí The Times xếp thứ 93 trong “200 đại học hàng đầu thế giới”) năm 2010 đã mời đến 59 giáo sư nước ngoài bằng trợ cấp của Chính phủ... Đại học Quốc gia Seoul xếp hạng 93. Đây cũng là trường đại học duy nhất của Hàn Quốc nằm trong danh sách những trường đại học lớn nhất thế giới. Sinh viên Đại học Quốc gia Seoul nổi tiếng trong lĩnh vực Toán và nghiên cứu khoa học. Với hơn 20.000 sinh viên đang theo học, Đại học Quốc gia Seoul là một trong những trung tâm đào tạo lớn nhất trong khu vực hiện nay. Trường có tỷ lệ đào tạo 32.000: 23.000 và tỷ lệ tốt nghiệp là 9.000... là các tỷ lệ khá cao theo tiêu chuẩn đại học Mỹ.
Được biết, chi phí thuê một giáo sư nước ngoài lên tới 71 ngàn USD mỗi năm, cao gấp đôi thuê một giáo sư trong nước, nhưng đó là “nguồn lực để tạo ra những công dân của một nền kinh tế toàn cầu sắp tới, đồng thời cũng tạo cho văn hóa Hàn Quốc thêm đặc sắc...” như cách nói của một quan chức liên quan...
Nhìn qua vài nét giáo dục Đại học Hàn Quốc như trên để thấy rằng nỗ lực xây dựng nhanh chóng từ tháng 9-2012 một Đại học quốc tế Việt-Anh tại Đà Nẵng theo mô hình của một trường đại học nghiên cứu ứng dụng và thương mại hóa các hoạt động nghiên cứu để có thể tạo ra doanh thu và đưa mục tiêu lọt vào danh sách các trường đại học được xếp hạng của thế giới sau 10-15 năm hoạt động là một quyết định đúng đắn và cần kíp.
Thông tin trên Báo Đà Nẵng cũng cho biết: Tuy nằm bên trong khuôn viên và trực thuộc Đại học Đà Nẵng nhưng Đại học quốc tế Việt - Anh sẽ hoạt động độc lập với các trường thành viên khác. Trong quá trình hoạt động, công tác quản lý nhà trường sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp với cơ cấu của Đại học Đà Nẵng. Hệ đào tạo trong giai đoạn đầu sẽ bao gồm đại học (4 năm) và sau đại học (bán thời gian), sau đó sẽ tiến đến giảng dạy chương trình sau đại học toàn thời gian, với các chuyên ngành dự kiến gồm kỹ thuật, kinh tế và du lịch... Điều này đang làm sốt lên trong không khí học tập của các em học sinh sắp kết thúc bậc phổ thông ở nhiều trường.
Cũng tại buổi làm việc trên, lãnh đạo Đại học Đà Nẵng cho biết, Chính phủ Việt Nam đã đồng ý dành khoản kinh phí là 200 tỷ đồng (tương đương 10 triệu USD) để hỗ trợ ban đầu cho việc triển khai dự án. Con số này là chưa nhiều so với tài trợ của Chính phủ Hàn Quốc đối với cả gói “đại học tiêu chuẩn quốc tế”, nhưng cũng cho thấy đã là một quyết định mới mẻ. Nếu TP. Đà Nẵng, bằng các nguồn lực có được và quyết tâm tạo ra bước đột phá về đào tạo nguồn nhân lực cho mình lẫn các tỉnh, thành khu vực miền Trung, chúng ta tin triển vọng đang rất lớn và đang ở trong tầm tay.
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG