.

Để cuộc bầu cử thật sự dân chủ

Theo báo cáo của Ủy ban Bầu cử đại biểu Quốc hội (QH) khóa XIII và đại biểu HĐND thành phố khóa VIII của thành phố ngày 10-3, thì sau khi hoàn thành việc tổ chức hiệp thương lần thứ nhất thỏa thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng người ứng cử, người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND xã theo luật định, dự kiến có 565 người được tham gia ứng cử để bầu 316 đại biểu (ĐB) theo luật định của huyện Hòa Vang. Cơ cấu được phân bổ như sau: dưới 35 tuổi là 152 người (chiếm 26,9%), phụ nữ 199 người (35,2%), người ngoài Đảng (28,9%) và các thành phần khác (9%)...

Còn theo kết quả Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, thì thỏa thuận ban đầu về số lượng người tham gia ứng cử ĐBQH đơn vị Đà Nẵng là 12 trong tổng số 6 ĐBQH được phân bổ; 95 người tham gia ứng cử để bầu chọn 50 ĐB HĐND thành phố.

Mặc dù còn những vòng hiệp thương tiếp theo, nhưng qua đó cũng cho thấy tinh thần mở rộng dân chủ ngày càng được chú ý và thực hiện một cách công khai; bởi tỷ lệ số dư trong bầu cử ngày càng được mở rộng. Kết quả bước đầu đó cũng cho thấy, Đà Nẵng là một trong những địa phương trong cả nước có số ứng cử viên gần gấp đôi số lượng ĐB cần bầu, để từ đó cử tri có sự cân nhắc, lựa chọn một cách sáng suốt và dân chủ hơn. Một số tỷ lệ ứng cử viên trong cơ cấu đã vượt lên trên rất cao so với “tỷ lệ sàn” được đưa ra như tỷ lệ người dưới 35 tuổi, người ngoài Đảng... ở bầu cử HĐND cấp xã.

Từ những con số trên, nhiều người cho rằng, đó là nhờ không khí dân chủ bầu cử trong Đảng, mà cụ thể là tại Đại hội lần thứ XI của Đảng diễn ra đầu năm nay đã có tác động tích cực, mang một luồng sinh khí mới về dân chủ đến đời sống xã hội. Còn nhớ, tại Đại hội lần thứ XI, tỷ lệ số dư bầu Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) là 24,5%; tỷ lệ số dư bầu Ủy viên dự khuyết là 144 %. Mặc dù tỷ lệ số dư lớn nhưng kết quả bầu rất tập trung và Đại hội chỉ bầu 1 lần là đủ số lượng. Điều đó cho thấy tính dân chủ được tập trung rất cao.

Tuy nhiên, việc phát huy dân chủ chưa dừng lại ở tỷ lệ số dư trong bầu cử, mà còn ở nhiều khía cạnh khác. Dân chủ càng được phát huy, khi những người ứng cử có cơ hội như nhau trong việc thực hiện các quyền lợi và nghĩa vụ của mình khi tham gia bầu cử. Dân chủ càng được phát huy, khi có nhiều người tự tin trong việc nộp hồ sơ tự ứng cử và tin tưởng rằng mình có cơ hội ngang bằng với những người được giới thiệu ra ứng cử. Dân chủ càng được phát huy mạnh mẽ hơn nữa, khi mỗi ĐB trúng cử đều có cơ hội thực hiện tốt quyền lợi và nghĩa vụ của mình trên nghị trường, thể hiện được vai trò, trách nhiệm của mình đối với tâm tư, nguyện vọng mà cử tri giao phó. Trên thực tế, có những vị ĐB sau khi trúng cử đã không phấn đấu làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình; từ đó đương nhiên tước đi cơ hội thực hiện quyền dân chủ của chính bản thân mình cũng như của những người đã bỏ phiếu ủng hộ cho mình.

Ở một khía cạnh khác, người dân cũng phải thể hiện quyền dân chủ của mình trong suốt quá trình diễn ra các hoạt động liên quan đến bầu cử. Nếu tìm hiểu kỹ càng, thận trọng, thì sự quyết định đúng đắn của cử tri chính là thể hiện cao độ tính dân chủ trong bầu cử. Việc tăng tỷ lệ số dư trong bầu cử, công khai thông tin về ứng cử viên... chính là cơ hội để người dân phát huy được quyền dân chủ của mình ngày càng mạnh mẽ hơn.

Vì vậy, quan tâm đến bầu cử lần này, cũng là cơ hội để người dân thực thi quyền dân chủ của mình nhiều hơn.

Anh Quân
;
.
.
.
.
.