Hội thảo “Xây dựng TP. Đà Nẵng ngang tầm với các thành phố phát triển của khu vực ASEAN và châu Á” vừa được tổ chức tuần qua. Các ý tưởng tham gia theo gợi ý của Ban Tổ chức, tập trung vào các lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại, hạ tầng đô thị, công nghiệp công nghệ cao, môi trường, nhân lực, văn hóa; đa dạng về quy mô nhằm đưa ra các hướng đi, cách làm mới độc đáo, có giá trị hiện thực cao và tầm nhìn dài hạn về phát triển thành phố...
Trước hết cần nói rằng đây là một hội thảo cần thiết để các nhà quản lý và hoạch định chính sách nghe tư vấn từ nhiều nguồn, nhiều kết quả nghiên cứu về phát triển đô thị hiện nay và tương lai, khi mà các đô thị ngày càng đối mặt với những hệ lụy về nhiều mặt làm cho chất lượng sống của con người giảm sút. Vì vậy, cũng cần nói thêm, đô thị phát triển chính là một đô thị mà trước hết cư dân ở đó cảm thấy họ có một cuộc sống chất lượng cao về mặt vật chất lẫn tinh thần và khách đến đó luôn có cảm giác yên tâm, thân thiện.
Theo những tiêu chí đó, hằng năm trên thế giới và châu Á cũng đã có nhiều cuộc hội thảo, đánh giá đô thị phát triển theo các tiêu chí khác nhau. Chẳng hạn theo Công ty nghiên cứu về nguồn nhân lực Mercer, Zurich (1,3 triệu dân, Thụy Sĩ) là thành phố có chất lượng sống cao nhất trên thế giới trong nhiều năm liền, Geneva (Thụy Sĩ) và Vancouver (Canada) cũng vậy. Tại châu Á, Singapore vượt qua Tokyo để trở thành nơi có chất lượng sống cao nhất châu lục nhưng vẫn đứng thứ 28. Các thành phố Tokyo, Yokohama, Kobe, Osaka của Nhật cũng lần lượt nằm trong top 5 châu Á. Tổng cộng có 215 thành phố được Mercer xếp hạng, với 39 tiêu chí dựa trên các yếu tố như tội phạm, ổn định chính trị, bệnh viện, giao thông, thực phẩm, nghỉ ngơi, khí hậu và tự do cá nhân... nhằm giúp chính phủ và các công ty đa quốc gia có chính sách xứng đáng cho những nhân viên mà họ cử đi công tác dài hạn...
Năm ngoái, tại Bangkok, Thái Lan, hội nghị các thành phố lớn ở châu Á (ANMC21) cũng đã được tổ chức như một diễn đàn trao đổi ý kiến về việc quản lý một thành phố lớn và xử lý những vấn đề đặt ra từ hiện tượng đô thị hóa nhanh chóng. 10 thành phố lớn như Hà Nội, Bangkok, New Delhi, Jakarta, Kuala Lumpur, Manila, Seoul, Tokyo, Đài Bắc và Singapore đã cử đại biểu đến dự và thảo luận nhiều vấn đề, trong đó nổi bật là duy trì một nền du lịch bền vững và phòng chống dịch bệnh cúm A/H1N1. Theo báo chí Thái Lan tường thuật, do các nền kinh tế châu Á có mức tăng trưởng nóng, hiện tượng đô thị hoá quá nhanh chóng, dân số tại đô thị tăng nhanh và gánh chịu một môi trường sống giảm sút. Đó còn là nguy cơ của các bệnh dịch lây lan nhanh chóng như bệnh cúm A/H1N1.
Đô thị hóa còn tác động đến người nghèo vì ít được tiếp cận các điều kiện ăn ở và vệ sinh phù hợp. Hàng triệu dân nghèo ở các thành phố lớn của châu Á đang phải sống trong các khu ổ chuột, dễ lâm vào tội ác, nghiện hút hoặc bạo lực... Kinh tế phát triển ở đô thị còn thu hút làn sóng nhập cư từ nông thôn do khoảng cách thu nhập lớn và nạn thất nghiệp... Không chỉ vậy, các đô thị lớn châu Á hiện nay còn thu hút lượng lớn du khách và người nước ngoài đến làm việc, tạo ra áp lực về dịch vụ xã hội và cơ sở hạ tầng. Sự phát triển nóng còn dẫn đến ô nhiễm không khí, nguồn nước, tiếng ồn và ách tắc giao thông... mà Bangkok là một ví dụ sinh động.
Một nhà nghiên cứu ở Mercer, TS Slagin Parakatil nhận định: “Khi kinh tế thế giới ngày càng toàn cầu hóa hơn, các thành phố mới nổi như Trung Đông hay châu Á, đang có rất nhiều các công ty nước ngoài tới làm ăn kinh doanh và thu hút làn sóng du khách. Để bảo đảm chất lượng cuộc sống của nhân viên khi đi công tác nước ngoài, hay yên tâm khi đi du lịch, người ta đang có khuynh hướng tìm hiểu bức tranh tổng thể về chất lượng sống ở những nơi đó để đưa ra quyết định...”. Trong khi đó, Jon Copestake, nhà nghiên cứu kinh tế đô thị người Anh nhấn mạnh: “Các thành phố cỡ trung bình ở những nước phát triển với mật độ dân cư tương đối thấp (như ở Canada và Úc) có xu hướng được đánh giá chất lượng sống cao hơn vì có lợi ích từ văn hoá và cơ sở hạ tầng trong khi ít phải đối phó với tỷ lệ cao về tội phạm và nạn ách tắc giao thông...”.
Theo chúng tôi, dù nhìn trên bình diện nào, chất lượng đô thị phát triển phải hướng tới là nhằm phục vụ trước hết cho cư dân tại chỗ và Đà Nẵng đang có nhiều cơ hội do lịch sử, địa lý, điều kiện nội tại (trong đó có cả sự đồng thuận của cư dân) tạo nên. Muốn làm được như vậy, trên cơ sở hội thảo vừa tổ chức, Đà Nẵng cần có một cơ quan thường trực về chiến lược phát triển đô thị được xác lập theo các tiêu chí ổn định, tiên tiến và lâu dài.
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG