.

Đồng hương

 

Mỗi tháng Giêng âm lịch hằng năm, trên nhiều trang báo, chúng ta vẫn thấy nhiều bản tin, thông báo mời họp đồng hương ở khắp nơi trên cả nước.

Trong chiến tranh, giữa đường hành quân hay trên các tuyến giao thông của TNXP ngày xưa, giữa cái chết và sự sống rình rập, hai từ đồng hương hết sức có ý nghĩa. Ở các trường đại học lớn, các sinh viên sống xa nhà và thiếu thốn, đồng hương là một thứ tình ái hữu quan trọng để các bạn thăm hỏi, động viên nhau học tập và giúp nhau khi gặp biến cố. Ra nước ngoài, các cộng đồng dân cư người Việt sống xa quê hương cũng thường lập ra các nhóm đồng hương ái hữu để thăm hỏi người thân, tình hình quê nhà, đóng góp gửi về quê hương khi bà con gặp thiên tai, hoạn nạn rất xúc động...

Chúng tôi từng được mời tham dự nhiều cuộc họp mặt đồng hương cấp quận, huyện; thậm chí xã tại Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh từ khi đổi mới đến nay. Nhiều cuộc gặp mặt diễn ra hết sức cảm động bằng những chương trình cụ thể, có ý nghĩa. Các cuộc gặp mặt của Ban liên lạc Hội đồng hương Đà Nẵng tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức mới đây là một ví dụ. Tại các cuộc gặp mặt này, dù đường sá xa xôi, công việc bận rộn nhưng Chủ tịch UBND thành phố vẫn thu xếp để tham dự. Sự có mặt của lãnh đạo thành phố là ngọn lửa sưởi ấm tình cảm quê hương đối với những người xa xứ.
 
Tại cuộc gặp mặt, lãnh đạo thành phố đã thông báo để bà con biết những thành tựu thành phố đạt được trong những năm qua và định hướng phát triển trong 5 năm tới, đặc biệt là chương trình hành động năm 2011 này. Các vị lãnh đạo Hội đồng hương đã nói lên những tình cảm chân thành, cả vui mừng và lo lắng trong mỗi bước đi lên của thành phố. Tuy xa quê, nhiều người phải vật lộn để mưu sinh, nhưng những năm qua, Hội đồng hương Đà Nẵng tổ chức nhiều chương trình nhân đạo, từ  thiện, hỗ trợ y, bác sĩ, dụng cụ, thuốc men, khám chữa bệnh, đã nhiều lần về quê tặng quà cho bà con có hoàn cảnh khó khăn với số tiền hàng trăm triệu đồng; tổ chức quyên góp ủng hộ nạn nhân chất độc da cam và người dân bị ảnh hưởng thiên tai bão, lụt tại quê nhà; vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” của thành phố; nhiều hoạt động xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài, giới thiệu việc làm, giúp con em quê Đà Nẵng đang học tập và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh...

Tuy nhiên, cũng có không ít cuộc họp mặt đồng hương  chưa có được những nội dung cần thiết, chương trình lỏng lẻo, hình thức. Nhiều cuộc gặp chưa quy tụ được đông đảo các thành phần và nổi bật nhất vẫn là các cuộc liên hoan chè chén lãng phí. Cũng có cuộc họp, người chủ trì chỉ thiên về kêu gọi đóng góp chung chung mà chẳng đưa ra một chương trình hành động nào cụ thể do thiếu kết nối với lãnh đạo tại địa phương...

Tình đồng hương chính là một sắc thái văn hóa rất Việt Nam. Thời mở cửa, kinh tế phát triển chúng ta đi lại làm ăn và thậm chí định cư ở nhiều miền đất xa xôi ngoài làng xóm quê nhà. Chính đó mà tình đồng hương càng sâu đậm và cao quý. Nhưng nếu những sinh hoạt đồng hương chỉ gói gọn trong vài lần gặp mặt trong năm, thiếu nội dung thiết thực và thiếu sự gắn kết về thông tin liên lạc với quê cũ, sẽ dễ làm giảm đi ý nghĩa của nó.

NGUYỄN SÔNG HÀN
;
.
.
.
.
.