Cuộc bình chọn năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2010, Đà Nẵng lần thứ ba liên tiếp được xếp vị trí thứ nhất. Đây là một tin vui và cũng là niềm tự hào chính đáng của Đảng bộ, chính quyền thành phố Đà Nẵng - bởi ai cũng rõ, giành được vị trí số một đã khó, nhưng giữ được nó còn khó khăn hơn gấp bội phần...
Ý nghĩa của vấn đề có nhiều lắm. Thứ nhất, nó chứng minh rằng quy trình và quyết tâm đổi mới của Đà Nẵng mang tính ổn định cao. Con số ba khẳng định cố gắng và nỗ lực để làm trong sạch môi trường đầu tư, tạo đà cho phát triển mang tầm chiến lược của định hướng vĩ mô bền vững. Đây là một thành tích rất đáng ghi nhận vì lâu nay, căn bệnh trầm kha của nhiều nơi là tình trạng đầu voi đuôi chuột hoặc nói cách khác, tiền hậu bất nhất. Đà Nẵng đã chứng minh rằng nguyên tắc đầu tiên của mọi sự phát triển là phải giữ vững được tiến độ, quy trình, nhịp độ của mọi bước cải cách đồng bộ.
Tính kiên quyết và sức mạnh đoàn kết tập thể chính là yếu tố quyết định để làm nên thành công trên. Thứ hai, khi PCI được thực tế (các nhà kinh doanh) thừa nhận; có nghĩa là một làn sóng đầu tư với quy mô và tầm độ lớn sẽ tiếp tục được triển khai và thực hiện mạnh mẽ. Đây là lợi thế để Đà Nẵng trong những năm tới có nền móng vững chắc về tài chính để thực hiện tốt những dự án lớn lao hơn. Thứ ba, PCI lành mạnh tức là cũng kéo theo nó những tiến bộ về mặt xã hội: Môi trường sống sẽ được cộng hưởng thành những thành quả mới, người dân an tâm và tin tưởng hơn, cái nền của những tiêu cực, xói lở về nhận thức mất đi “cơ hội” để chúng tán phát, lộng hành, tính hài hòa và ổn định được bảo đảm, chất lượng sống tăng lên và, thành phố ngày càng trở nên “đáng sống” hơn...
TS Edmund Malesky, Trưởng nhóm Nghiên cứu PCI Việt Nam lưu ý rằng mặc dù đang dẫn đầu nhưng Đà Nẵng cũng cần phải đặc biệt quan tâm đến những thách thức không nhỏ. TS E. Malesky nhấn mạnh rằng Đà Nẵng nên “biết” là tuy tiếp tục xếp thứ nhất nhưng điểm số của Đà Nẵng đang bị “thất thoát” khá nhiều. Nếu điểm PCI của Đà Nẵng năm 2009 là 75,48 thì năm 2010 chỉ có 69,39 - tức là kém đi 6,09 điểm (!). Đây là một điểm số gây nên sự giật mình và không phải là không đáng lo ngại. Điều đó chứng tỏ rằng có một số lĩnh vực, một số bộ phận đã và đang tụt hậu về nhận thức và cách thực thi các chính sách theo mục tiêu ngày càng lành mạnh hóa môi trường đầu tư. Mặt khác, cũng theo TS E. Malesky, thì 3 vấn đề thách thức lớn nhất hiện nay của Đà Nẵng, đó là tốc độ đô thị hóa nhanh, thị trường lao động ngày càng lớn và khả năng tiếp cận đất đai ngày càng khó hơn.
Rõ ràng, khi tốc độ đô thị hóa nhanh sẽ làm nảy sinh thêm nhiều vấn đề về quản lý như sự buông lỏng hay những kẽ hở cho căn bệnh quan liêu, phiền hà phát tán, đồng thời, vấn đề chung về năng lực quản lý cũng là một nan đề. Bên cạnh đó, sự mở rộng của thị trường lao động sẽ kéo theo nó tình trạng lộn xộn, khó kiểm soát và sự chuệch choạc của công tác điều phối rất dễ xảy ra. Đây chính là một trong những lỗ hổng lớn nhất để làm tụt giảm điểm số PCI. Khả năng tiếp cận đất đai trong đầu tư bao giờ cũng là nan đề lớn nhất. Nói cách khác, nó là “mẫu số chung” của phiền hà và tham nhũng ở nước ta. Đà Nẵng đã bộc lộ những quan ngại này. Do đó, nếu không kịp thời chấn chỉnh thì cái sai, cái kém sẽ tiếp tục “tăng tốc” một cách khó lường.
Những cảnh báo của các nhà nghiên cứu khách quan, của các nhà đầu tư trên cả nước buộc chúng ta phải âu lo thật sự cho vấn đề dẫn đầu nhưng kém hơn của Đà Nẵng. Những điều chỉnh và nghiên cứu, thảo luận về lời cảnh báo trên chính xác đến đâu là điều còn cần phải bàn xét. Tuy nhiên, như người xưa đã nói: Kẻ khen ta mà khen đúng là bạn ta. Kẻ khen ta mà khen không đúng là kẻ thù của ta. Kẻ chê ta mà chê đúng là thầy của ta. Tiếp nhận một cách bình tĩnh sự góp ý trên tinh thần xây dựng để tự điều chỉnh chính mình luôn là con đường tốt nhất để bảo đảm cho thành công và hạnh phúc.
Tô Vĩnh Hà