.

Tắm biển ở Đà Nẵng

Ngay sau khi được Tạp chí Forbes bình chọn bãi biển Đà Nẵng là một trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh, biển Đà Nẵng trở thành điểm đến lý tưởng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Các đoàn du khách Nga và Thái Lan, Bắc Âu hầu như không thể bỏ sót các bãi tắm khi đến Đà Nẵng.
 
Từ đầu năm 2006, ngành Du lịch đã thành lập các đội Quản lý và cứu hộ trên các bãi tắm  T18, T20, Phước Mỹ, Phạm Văn Đồng và sau đó đã nhân rộng mô hình này ra tất cả các bãi tắm trên địa bàn thành phố, nhất là các bãi tắm quanh bán đảo Sơn Trà và dọc đường Nguyễn Tất Thành... với hơn 100 thành viên được huấn luyện thành thục, kể cả việc quan sát, cảnh báo, ngăn chặn lẫn trực tiếp tham gia cứu hộ.
 
Lần đầu tiên, một Quỹ cứu hộ và bảo vệ môi trường các bãi biển du lịch Đà Nẵng cũng đã ra đời bằng các hình thức huy động sự đóng góp của xã hội nhằm huấn luyện, trao đổi nghiệp vụ, vận hành thiết bị, chuyên nghiệp hóa các hoạt động cứu hộ, cứu nạn và nâng cao ý thức về an toàn và bảo vệ môi trường du lịch biển trong lành...

Thông tin mới nhất từ cổng Thông tin Điện tử TP. Đà Nẵng mới đây cho biết thêm: Chính quyền Đà Nẵng vừa phê duyệt Đề án Quản lý khai thác các bãi biển du lịch, tiếp tục cho phép đưa một số tiện ích mới vào hoạt động. Chẳng hạn, Trạm điều hành là nơi Đội quản lý trật tự du lịch biển trực 24/24 giờ với đường dây nóng 0511.2218878. Đây cũng là nơi hội ý của các lực lượng liên ngành khi làm nhiệm vụ tại bãi biển, xử lý các trường hợp cần thiết, giao trẻ lạc (nếu có) cho người thân, v.v… Tiếp tục xây dựng hoàn tất 16 trạm quan sát và cứu hộ với kiến trúc đẹp. Xây dựng các điểm tắm nước ngọt lịch sự, tiện nghi và hàng chục nhà vệ sinh cố định và di động ở tất cả các bãi tắm dọc các đường Hoàng Sa, Trường Sa và Nguyễn Tất Thành...

Một lãnh đạo trong Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch cho biết, để bảo đảm nguồn nước ngọt, bãi đỗ xe vào mùa hè năm nay, Ban Quản lý đang trình lãnh đạo thành phố xây dựng bể nước ngầm tại bãi tắm phía Bắc Công viên Biển Đông, mở rộng bãi tắm phía Nam Công viên và xây dựng mới bãi tắm Mân Thái; xây dựng bãi đỗ xe Sao Biển... và các tiện nghi khác như điện chiếu sáng, điện nghệ thuật, sân khấu trên bãi biển, phương tiện tập thể dục... Các hộ kinh doanh dịch vụ tại bãi biển cũng đã bắt đầu có những thay đổi cơ bản về ý thức bảo vệ cảnh quan, vệ sinh môi trường, niêm yết bảng giá, đồng phục và các nếp văn minh thương mại khác như không giành giật, chèo kéo khách du lịch, văng tục, gây gổ… tạo ra một môi trường và thái độ phục vụ du khách nhã nhặn, lịch thiệp nhất.

“Biển Đà Nẵng đang từng bước khẳng định thương hiệu, là điểm đến An toàn - văn minh - hấp dẫn cho người dân và du khách. Do đó chúng tôi đang cần sự chung tay góp sức của mọi người trên tinh thần Bạn cần biển - Biển cần bạn”, vị lãnh đạo trên nói.

Cách đây 10 năm, nếu các bãi tắm trên biển Đà Nẵng nhếch nhác với những hàng quán tự phát, thiếu quy củ và không bảo đảm vệ sinh, thì nay đã có diện mạo khác. Sự an toàn của người đến biển, dù là cư dân sở tại hay du khách đã được chăm chút hơn nhiều lần. Tôi đặc biệt ấn tượng với các công viên trên các bãi biển Phạm Văn Đồng (Công viên Biển Đông) và Sao Biển, vừa hiện đại vừa ẩn chứa những nét kiến trúc thuần Việt, thân thiện. Tuy vậy, nếu so sánh với các bãi tắm như Bali (Indonesia), Phukhet (Thái Lan) hoặc Bondi, Gold Coast (Úc) thì tiện nghi và môi trường ở các bãi biển Đà Nẵng vẫn còn có khoảng cách. Vấn đề nước thải, bãi đỗ xe, các điểm mua sắm, tiện ích cho trẻ em, người tàn tật và các môn thể thao trên biển... vẫn còn khá nghèo nàn. Để giải quyết những hạn chế đó, không chỉ có vai trò Nhà nước mà cần có thêm nhiều chủ trương tư nhân hóa hơn nữa... Có được vậy, việc bình chọn của Forbes mới có ý nghĩa trên thực tế.

NGUYỄN SÔNG HÀN
;
.
.
.
.
.