.

Bài toán giá xăng dầu

Kể từ ngày 29-3-2011, giá xăng dầu trong nước đồng loạt tăng thêm từ 2.000 đồng - 2.800 đồng/lít. So với quyết định tăng giá cách đây gần một tháng, “bước nhảy giá” tuy không đạt đến mức kỷ lục (2.900 đồng/lít) nhưng vẫn được xem là “khủng”, tất yếu tạo ra nhiều ảnh hưởng và tiếp tục gây thêm sức ép đến chỉ số lạm phát.
 
Tăng giá xăng dầu xem ra là việc chẳng đặng đừng bởi vì cơ quan quản lý buộc phải đối diện với thực tế giá dầu mỏ thế giới đang tăng cao, cần lựa chọn cân nhắc tăng giá sao cho bảo đảm  hài hòa ba lợi ích: Nhà nước - Doanh nghiệp - Công dân. Đó là chưa kể nhiều lý do khách quan được viện dẫn như chống buôn lậu xăng dầu qua biên giới, so sánh giá xăng giữa nước ta với các nước lân cận vẫn còn thấp… Có thể nói, bài toán giá xăng dầu xem ra vẫn còn quá nhiều ẩn số cần phải giải đáp để hướng đến một mô hình quản lý thích hợp hơn.
 
Không rõ từ khi nào, mặt hàng xăng dầu vẫn luôn được mặc định có vai trò “chiến lược” và “nhạy cảm”, mặc dù trên thực tế cơ sở để xác định vai trò này xem ra vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn. Ví như mặt hàng gạo trước đây trong thời bao cấp, cũng vô cùng thiết yếu, tuy nhiên từ khi đất nước tiến hành đổi mới, bù giá vào lương, thực thi nguyên tắc thị trường hóa thì gạo cũng giống như mọi mặt hàng khác, tự chuyển hóa thành “Câu chuyện bình thường”. Với nguyên tắc quản lý hiện hành, các đơn vị kinh doanh xăng dầu được chủ động trong khâu lưu thông, cung ứng, nhưng giá cả lại do Nhà nước độc quyền quản lý. Nhược điểm của cơ chế này chính là ở chỗ các quyết định về giá cả thường không theo kịp tín hiệu thị trường, thiếu tôn trọng quy luật cung cầu, dẫn đến mặt bằng giá thường tồn tại nhiều kẽ hở, bất hợp lý. Chưa kể việc tập trung khâu phân phối vào một số đầu mối độc quyền đã không tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh nhằm khuyến khích tiết kiệm chi phí và kiềm chế giá xăng dầu. Nếu xét về mặt khai thác và cung ứng dầu mỏ thì Việt Nam có phần thuận lợi hơn một số nước lân cận như Lào, Campuchia, Thái Lan, Philippines…, tuy nhiên việc chuyển hóa các điều kiện thuận lợi này vào chính sách quản lý giá xăng dầu như thế nào vẫn còn là ẩn số? Xét về phương diện kinh nghiệm quản lý, từ lâu thế giới đã áp dụng mô hình kinh doanh xăng dầu gắn với thị trường thực sự có hiệu quả, không có lý do gì chúng ta không thể học tập để góp phần cải tiến cung cách điều hành thị trường?

Trong bối cảnh lạm phát cao như hiện nay, việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu thường dẫn đến hệ lụy kéo theo việc đồng loạt tăng giá các mặt hàng thiết yếu khác. Đây là bất lợi rất lớn đến chủ trương kiềm chế lạm phát. Giải quyết bài toán điều hành giá xăng dầu phải bắt đầu từ việc sớm cải tổ cơ chế quản lý giá và mô hình kinh doanh phân phối xăng dầu. Trong quá trình điều hành cần kiên trì nguyên tắc thị trường, không nên để cánh kéo giữa giá đầu vào và đầu ra bất hợp lý, hạn chế mức chênh lệch giá quá cao hoặc quá thấp, nếu không việc điều chỉnh giá thường tạo ra những cú sốc không cần thiết. Người dân có lẽ cũng đã quen dần với việc điều chỉnh giá xăng dầu của cơ quan quản lý Nhà nước, tuy nhiên sự việc sẽ trở nên “dị ứng” nếu động tác điều chỉnh giá chỉ theo một chiều, có tăng mà ít thấy giảm, hoặc mức điều chỉnh giá đột ngột quá cao, vừa phản cảm vừa gây tác động tâm lý bất ổn.

TÂM DÂN
;
.
.
.
.
.