Ngoài việc 3 năm liên tiếp dẫn đầu về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Đà Nẵng còn là một trong 6 địa phương của cả nước có chỉ số cao nhất về hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2010. Điều này phản ánh nỗ lực cải cách hành chính (CCHC) của Đà Nẵng trong những năm qua thật sự mang lại hiệu quả.
Dẫn đầu bảng về mức độ hài lòng của người dân với hiệu quả quản lý của chính quyền là thành phố Hồ Chí Minh. Tiếp đến là Hà Tĩnh, Bình Định, Đà Nẵng, Hải Dương, Thừa Thiên-Huế. Trong một cuộc họp mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Phùng Tấn Viết khẳng định: Việc CCHC luôn được chú trọng, làm sao tạo điều kiện thuận lợi nhất, tháo gỡ rào cản về thủ tục để không những người dân Đà Nẵng mà cả du khách đến với thành phố bên bờ sông Hàn cũng thấy hài lòng.
So với 10 năm trước, diện mạo của nền hành chính Việt Nam đã thay đổi khá lớn, góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội. Đánh giá này tại Hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc về thực hiện chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2001-2010 và chương trình CCHC Nhà nước giai đoạn 2011-2020 vào ngày 5-4 có thể mang lại cái nhìn lạc quan hơn cho người dân, mặc dù việc CCHC vẫn được cho là tốc độ còn chậm và chưa đạt mục tiêu đề ra. 81% thủ tục được đơn giản hóa, đồng thời người dân và doanh nghiệp đã được giảm bớt 340 loại phí, lệ phí. Tuy nhiên, đó chỉ là bức tranh tổng thể với những gam màu sáng bởi không phải tỉnh, thành phố nào cũng “cởi trói thủ tục” được như 6 địa phương dẫn đầu trên.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoàn toàn có cơ sở khi nhận định rằng, ở đâu người đứng đầu nhận thức rõ ý nghĩa của việc CCHC và có sự chỉ đạo quyết liệt thì ở đó CCHC đạt kết quả tốt. Riêng với Đà Nẵng, thực tế cho thấy mối quan hệ giữa Chính quyền với dân đang ngày càng được hoàn thiện hơn theo hướng mở rộng dân chủ. Qua khảo sát, 71% số người ở Đà Nẵng biết có Pháp lệnh Dân chủ cơ sở.
Đà Nẵng đã và đang thực hiện mạnh mẽ CCHC thông qua cải cách “con người hành chính”, cụ thể ngoài việc đơn giản hóa các thủ tục, thực hiện cơ chế một cửa, là xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, xóa bỏ đáng kể tâm lý e ngại của người dân khi tiếp xúc với các cơ quan liên quan đến xây dựng, đất đai, hộ tịch, hải quan… Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh cho rằng, cải cách “con người hành chính” phải xuất phát từ sự nhất quán trong việc xây dựng, phát triển đội ngũ bằng hệ thống giải pháp đồng bộ về cơ chế quản lý và nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trong đó tập trung vào công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, phát triển nguồn nhân lực.
Trong công tác đào tạo và sử dụng con người, những câu chuyện và bài học của Đà Nẵng đã để lại bao ấn tượng sâu sắc, nhất là việc lãnh đạo thành phố luôn gieo vào suy nghĩ của người trẻ tư duy dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Đồng thời, những người lãnh đạo cũng chứng minh việc cải cách “con người hành chính” bằng tinh thần sẵn sàng tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, chứ không phải là sự hô hào hay khẩu hiệu.
Sau khi nhận lá thư của một giáo viên kể về một sinh viên khiếm thị vừa tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Văn muốn xin dạy học ở Trường Nguyễn Đình Chiểu nhưng lại vấp phải hàng rào cơ chế vì hết chỉ tiêu, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng đã yêu cầu tiếp nhận trường hợp này. Nếu không có sự can thiệp kịp thời của lãnh đạo và cơ quan chức năng, người sinh viên khiếm thị này có thể sẽ trải qua không ít khó khăn trên hành trình tìm việc, thậm chí không có cơ hội trở về giảng dạy ở ngôi trường vốn đã vun đắp cho anh sự ấm áp và niềm tin yêu cuộc sống.
Có những câu chuyện mang tên Đà Nẵng đã làm nao lòng người như thế! Và Đà Nẵng đang tiếp tục khẳng định thương hiệu “Thành phố đáng sống” từ những việc làm đầy ý nghĩa vì dân, đồng thời hướng đến một nền hành chính phục vụ.
TÚ PHƯƠNG