.

Cắt giảm chi tiêu

Thời điểm này, cụm từ “cắt giảm” dường như đã khá quen thuộc với mọi tầng lớp nhân dân. Với tình hình giá cả, lạm phát đang ngày càng tăng, chính sách “thắt lưng buộc bụng” là lựa chọn tối ưu đối với những gia đình có mức thu nhập thấp, trung bình hoặc khá. Ngay cả các cơ quan hành chính Nhà nước cũng phải lên kế hoạch thực hiện chính sách tiết kiệm tối đa để góp phần cùng với Chính phủ ổn định nền kinh tế.

Hằng ngày, các phương tiện thông tin đại chúng vẫn phản ánh những giải pháp của chính quyền cũng như cách làm của người dân nhằm xoay xở với sự “leo thang” không ngừng của vật giá. Giải pháp “thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm chi tiêu luôn được đề cập đến đầu tiên. Trong điều kiện hiện nay, Chính phủ buộc phải tăng giá xăng dầu cho theo kịp giá thế giới, giá vàng và đô-la thất thường, thị trường hàng hóa cứ theo đà tăng của giá xăng dầu mà nối đuôi tăng vọt và người dân không còn cách ứng phó nào khác ngoài việc tự mình điều chỉnh, vun vén, cắt những khoản chi tiêu không cần thiết và giảm bớt sức tiêu dùng để tăng tiết kiệm.
 
Có người đã nói đùa rằng: Không cần phải kêu gọi hưởng ứng tắt điện trong “Giờ trái đất” mà bản thân gia đình họ ngày nào cũng làm vậy. Bởi với một công chức Nhà nước, mức lương có hạn thì áp lực tăng giá xăng dầu, điện, gas, nước sạch… buộc họ phải tiêu dùng tiết kiệm cho phù hợp với ví tiền của gia đình. Cho đến nay, người dân dù đồng thuận với chính sách “thắt lưng buộc bụng” của Nhà nước nhưng họ vẫn hằng ngày sống chung với “bão giá” dồn dập và mỗi ngày lại chồng chất thêm những lo lắng cho việc mưu sinh để cải thiện cuộc sống.

Hiện chính quyền các địa phương đang thực hiện chính sách cắt giảm chi tiêu bắt buộc theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội trong năm 2011. Song song với các giải pháp tiết kiệm là việc tăng cường công tác an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo vượt qua khó khăn trong thời điểm lạm phát đang ở mức cao như hiện nay. Tuy nhiên, khó có thể đưa ra giải pháp toàn diện để hỗ trợ cho những đối tượng có mức thu nhập thấp, trung bình hoặc khá. Những đối tượng này phần lớn là người lao động, công nhân, công chức hành chính, học sinh, sinh viên… Họ đang phải chật vật cắt giảm chi tiêu, điều chỉnh mức tiêu dùng để đối phó với “bão giá” trong khi thu nhập thì không tăng.
 
Bên cạnh giải pháp tiêu dùng hạn chế thì việc hưởng thụ các sản phẩm văn hóa tinh thần như tham quan, du lịch, thưởng thức các chương trình văn nghệ… cũng bị cắt giảm theo. Thay vì dành thời gian và tiền bạc cho những hoạt động vui chơi, giải trí thì mỗi gia đình phải hạch toán lại, dành khoản nào cho sinh hoạt cần thiết của gia đình, khoản nào để tiết kiệm phòng rủi ro hoặc khi giá cả tăng để bù đắp thiếu hụt… Thế nhưng, người dân vẫn thấp thỏm, liệu ngủ một đêm đến sáng, giá xăng dầu, điện, nước… có tăng nữa không?! Hiện tại, đại bộ phận nhân dân vẫn trông đợi vào những giải pháp hữu hiệu hơn từ phía các cơ quan chức năng, làm sao cắt giảm chi tiêu nhưng vẫn tạo điều kiện để họ hưởng thụ các thành quả phát triển của xã hội và từ đó, từng bước nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần cho phù hợp với xu thế phát triển chung hiện nay.

HÀ AN
;
.
.
.
.
.