Nghị quyết 11 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu nhằm tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội đã và đang được triển khai trên phạm vi cả nước. Để nghị quyết đi vào cuộc sống, cần xác định rõ và trúng những vấn đề ưu tiên cấp bách cần xử lý, những bài bản phối hợp cụ thể, trước hết tập trung vào các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến hoạt động tiền tệ, ngân hàng, đầu tư và chi tiêu công, xem đây là đột phá khẩu có tác dụng mở đường để các giải pháp khác phát huy tác dụng đồng bộ. Có thể cho rằng thách thức lớn nhất của Nghị quyết 11 không đơn thuần nằm ở câu chữ mà là năng lực phối hợp, tổ chức hành động hiệu quả đến mức độ nào?
Trong bối cảnh phức tạp như hiện nay, thái độ tập trung cao vào mục tiêu đã xác định cũng như khả năng xoay chuyển tình thế có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Đã đến lúc phải thực hiện nghiêm túc khái niệm “Chỉ tiêu hoàn thành công vụ đột xuất” đối với hệ thống cơ quan công quyền nhằm đo lường mức độ khẩn trương của tình hình và kỹ năng phối hợp triển khai chính sách giữa các cơ quan được giao nhiệm vụ. Theo đó, trong phạm vi thời gian nhất định, với những nguồn lực và thẩm quyền được giao, các cơ quan này phải chứng minh được khả năng làm chủ tình hình, lập lại trật tự trên một số mặt trận nóng bỏng, nổi cộm là tình trạng kinh doanh trái phép ngoại tệ, vàng; đầu cơ thao túng giá cả, lãi suất; ngăn chặn đầu tư và chi tiêu công lãng phí... Mỗi bộ, ban, ngành, cấp chính quyền, đơn vị công tác đều phải công bố rõ chỉ tiêu phấn đấu, lộ trình thực hiện, trách nhiệm của người đứng đầu đến đâu, nếu không sẽ xem như không hoàn thành nhiệm vụ. Nghị quyết 11 mới triển khai trong một thời gian ngắn, trước mắt chưa đủ căn cứ để đánh giá hết những phản ứng của thực tiễn đối với chính sách, tuy nhiên thông qua một số biểu hiện phát sinh trên thị trường và trong hoạt động quản lý cho phép rút ra một số nhận định sau:
Trước hết, quá trình tương tác giữa hệ thống cơ quan công quyền và một bộ phận lớn công dân nhìn chung còn hạn chế, bất cập, nền tảng ý thức thượng tôn pháp luật biểu hiện khá nhiều yếu kém. Hiện nay, để đối phó với một loạt biện pháp mạnh của cơ quan quản lý, thị trường ngoại tệ chợ đen đang có dấu hiệu rút vào hoạt động bí mật. Mặc dù vậy, xem ra đất dụng võ của giới kinh doanh trái phép dường như chưa bị hề hấn bởi vì có sự tiếp tay thường xuyên của một số tổ chức và cá nhân tham gia vào đường dây này. Việc áp dụng chế tài pháp luật hiện mới chỉ nhắm vào các chủ thể tổ chức kinh doanh là chính (cửa hàng vàng, quày, đại lý thu đổi ngoại tệ…) trong khi lực lượng khách hàng tiềm năng của họ lại bị lãng quên phần lớn. Có lửa mới có khói, cung - cầu ngoại tệ ngoài luồng đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ với doanh số rất lớn nhưng hầu như cơ quan quản lý chưa có giải pháp hữu hiệu để kiềm chế cả hai đối tượng tham gia mua/bán?
Biểu hiện bất cập khác đó là việc các cơ quan quản lý và phương tiện truyền thông chính thống chưa làm tốt việc chuyển tải đầy đủ bản chất của một số thay đổi về cơ chế chính sách của Nhà nước, dẫn đến gây hoang mang dư luận, tạo ra những xáo động không cần thiết. Ví dụ lộ trình thực hiện cơ chế quản lý mới đối với hoạt động kinh doanh vàng miếng vẫn chưa rõ ràng, thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi công bố chính thức. Bởi vì vấn đề quan trọng hiện nay không phải là tìm cách thay đổi thói quen tâm lý dự trữ vàng trong dân mà phải ưu tiên tạo dựng môi trường yên ổn để an dân, từ đó tạo điều kiện chuyển hóa lượng dự trữ tiềm năng này trở thành nguồn lực to lớn để phát triển kinh tế-xã hội. Hiện tượng nổi cộm khác trong lĩnh vực huy động vốn: Một số khách hàng gửi tiền luôn có tâm lý mặc cả buộc ngân hàng trả thêm lãi suất ngoài mức lãi suất trần quy định, chính vì vậy hiện tượng “phá rào” vẫn âm ỉ diễn ra bất chấp khuyến cáo của NHNN. Điều nguy hiểm hơn chính là những thỏa thuận ngầm như vậy đã dẫn đến phá vỡ kỷ cương pháp lý hạch toán kế toán, biến tướng sai lệch sổ sách, khó tránh khỏi hiện tượng lạm dụng chi tiêu sai mục đích những khoản tài chính ngoài luồng. Nếu chiếu theo nguyên tắc “Cố ý đồng phạm” thì rõ ràng không chỉ ngân hàng mà cả người gửi tiền đều vi phạm pháp luật hiện hành?
Liên quan đến tiến trình và chủ trương chống đô-la hóa trong nền kinh tế. Trước hết cần nhận thức lại một cách thực tế hơn vai trò của tổ chức tín dụng trong việc cung ứng dịch vụ ngân hàng nhằm đáp ứng các nhu cầu đa dạng của tổ chức và cá nhân. Là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, một số sản phẩm dịch vụ ngân hàng luôn chịu sự ràng buộc bởi quy định pháp luật nhằm bảo đảm an toàn hệ thống và an ninh tiền tệ quốc gia, nhất là nghiệp vụ tín dụng và kinh doanh ngoại hối, do vậy trong nhiều trường hợp không thể cung ứng sản phẩm theo kiểu vô điều kiện. Riêng giao dịch ngoại hối, so với nhiều năm trước đây, các quy định pháp luật hiện đã thông thoáng hơn nhiều, không chỉ tổ chức mà cả cá nhân cũng có thể dễ dàng mua ngoại tệ để sử dụng cho các mục đích hợp pháp như kinh doanh, học tập, đi công tác, du lịch, chữa bệnh, chuyển tiền ra nước ngoài... nếu hội đủ thủ tục pháp lý cần thiết.
Tuy nhiên, thời gian qua ngoại tệ bị khan hiếm, chênh lệch tỷ giá trong - ngoài quá lớn khiến cho việc giao dịch bị ngưng trệ. Một bộ phận dân cư vẫn còn ngại thủ tục, bất chấp rủi ro, có thói quen thích giao dịch chợ đen hơn là theo phương thức chính thống, thực tế này dẫn đến không phản ánh đúng nhu cầu ngoại tệ hợp pháp, không thể kiểm soát. Để góp phần tháo gỡ tình trạng này, tăng cường thị phần chi phối của hệ thống tài chính hợp pháp, định hướng người dân làm quen với sử dụng dịch vụ ngân hàng, NHNN cần có chính sách khuyến khích mở rộng hơn nữa mạng lưới đại lý giao dịch ngoại tệ ngoài hệ thống ngân hàng, cho áp dụng cơ chế thu phí dịch vụ linh hoạt theo từng đối tượng khách hàng, tạo điều kiện bù đắp đủ chi phí và có lãi hợp lý, tất nhiên với điều kiện phải tuân thủ nhất quán và nghiêm ngặt chính sách quản lý ngoại hối. Hệ thống ngân hàng cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền quảng bá, phổ cập các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt theo hướng văn minh và hội nhập, mở rộng tiện ích thanh toán thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, POS, EDC...
Nghị quyết 11 ra đời trong bối cảnh tình hình trong nước và môi trường quốc tế tiếp tục diễn biến theo chiều hướng phức tạp, chưa thể lường hết được những khó khăn có thể nảy sinh. Mọi giải pháp triển khai đều phải phản ánh nghiêm túc tư tưởng chỉ đạo đó là hạn chế tăng trưởng nóng để bằng mọi cách kiềm chế lạm phát, từng bước ổn định nền tảng vĩ mô, thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế, đẩy mạnh sự phối hợp đồng bộ, nghiêm túc trên mọi phương diện: Pháp luật và kinh tế, trách nhiệm giữa hệ thống công quyền và công dân, nói đi đôi với làm… có như vậy mới mong nghị quyết sớm trở thành hiện thực.
Thanh Thủy