.

“E-làng”ở nông thôn

Trong thời gian qua, nhiều bài báo từng mô tả về thực trạng đìu hiu của các điểm Bưu điện-Văn hóa (BĐVH) xã trên cả nước. Vừa lãng phí tiền của đầu tư từ ngân sách, vừa bỏ không vì không còn tác dụng thiết thực. Có nơi còn cho thuê mặt bằng làm các tiệm bán tạp hóa...

Đổi mới phương thức hoạt động mô hình điểm BĐVH xã là một yêu cầu cấp thiết.

Để cùng cơ quan chức năng thực hiện yêu cầu này, chúng tôi cho rằng Việt Nam có thể phát huy mô hình “E-làng” (E-Villages) của các vùng nông thôn nghèo đã áp dụng thành công tại Nhật Bản từ 30 năm trước và đang triển khai tại các nước châu Á khác như Ấn Độ, Sri Lanka hiện nay...

Bắt đầu từ làng nghèo bán sơn địa ở phía tây nước Nhật, Yamada với số dân trên 2.000 người sống trong 451 hộ gia đình làm nông nghiệp và lâm nghiệp. Một nửa đất đai trong làng có địa hình núi non, nhiều tháng trong năm bị tuyết dày bao phủ. Cả làng chỉ còn lại 350 nông dân có việc làm thường xuyên tại chỗ. Ngoài nông nghiệp, cơ hội kiếm việc làm khác như nhân viên bán hàng, thợ xây, thợ nề, thợ thủ công và viên chức địa phương rất hiếm...

Dự án “E-làng” do các giáo sư Deepti Bhatnagar và Animesh Rathore người Ấn Độ, thuộc Viện Quản lý của Ngân hàng Thế giới đề xuất, khởi động từ đầu thập niên 1990 với mục đích liên kết công nghệ thông tin hằng ngày cho dân làng.Với sự hỗ trợ kéo dài trong 5 năm của chính quyền, dự án đã tạo ra các lợi ích theo hướng phát triển bền vững và đến nay đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống người dân sở tại. Sự phổ biến của các sáng kiến “E-làng” ở Yamada đã giảm đến mức tối thiểu việc người dân rời làng ra sống ở đô thị và cách sống cô lập của người già, mang lại nhiều lợi ích cho người dân như phát triển về dịch vụ, thương mại, nâng cao các năng lực xã hội như y tế, phát triển mối giao lưu cho người lớn tuổi...  “E-làng” còn tạo ra mối liên kết bên trong lẫn bên ngoài nhờ phát triển Internet đến từng hộ gia đình thông qua một “Trung tâm thông tin làng”.

Từ 1990 đến 1995, làng Yamada đã trở thành một trong vài làng ở Nhật Bản có được trang web do các cán bộ trong làng vận hành và sự hỗ trợ của Công ty Điện thoại và điện báo Nippon, các giáo sư đại học, tình nguyện viên và các công ty. Dự án đã cho các hộ gia đình vay máy vi tính cá nhân, cung cấp dịch vụ và các thiết bị mạng cho những ai có yêu cầu. Đến năm 1999, đa số các hộ ở Yamada đều đã có kết nối Internet với các thiết bị do hai hãng Apple và Macintosh sản xuất. Kinh phí ban đầu cho dự án là khoảng 3 triệu USD, bao gồm 1 triệu USD từ ngân sách, khoảng 60% huy động từ trái phiếu chính phủ địa phương và một khoản vay phát triển các vùng khó khăn. Các chi phí bảo trì máy móc của làng được cho thiếu chịu và miễn thu các khoản phí phụ trội cho các gia đình đã có đường dây điện thoại... Trung tâm thông tin công cộng của làng được xây dựng, kết nối với các cơ quan hành chính địa phương và được trang bị server chính với các máy vi tính, thiết bị đa truyền thông, video, phòng họp, phòng đào tạo, thư viện công cộng... Thông qua trung tâm này, chính quyền làng Yamada lên kế hoạch phát triển tiếp mạng Internet để đưa CNTT vào công việc hằng ngày của mỗi người dân. Trung tâm cũng phổ biến các nhiệm vụ, công việc hằng ngày của làng đến từng hộ dân, làm cho cuộc sống mỗi ngày một sinh động...

Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Đại học Aichi Kyoiku tại Yamada cho biết có gần 90% gia đình sử dụng máy vi tính cá nhân. Sự kết nối của công nghệ thông tin đã gia tăng bất ngờ về nhận thức đối với những vấn đề quốc gia của người dân trong làng, do đó đã thúc đẩy du lịch và bán được các sản phẩm địa phương. Công nghệ thông tin cũng góp phần làm giảm tốc độ suy giảm dân số, làm sống lại lòng tin về tiềm năng và tình yêu đối với làng quê. Người dân đi xa cũng đã quay về làng cũ tìm kiếm đối tác làm ăn, đôi khi ở lại sống lâu dài. Các sinh viên, học sinh cũng hiểu biết hơn về những giá trị văn hóa tinh thần của quê hương mình qua trang web của làng.

Tại Ấn Độ, theo tiến sĩ R. Saravanan, các dự án E-Villages thực hiện trong 10 làng lựa chọn từ các bộ lạc ở huyện Đông Siang của bang Arunachal Pradesh, vùng Đông Bắc cũng được tiến hành trong mấy năm qua. Các làng được chọn ở trung tâm một khu vực nông thôn để người dân từ các làng xung quanh được quyền truy cập vào cơ sở hạ tầng CNTT. Các điều phối dự án được lựa chọn để điều khiển mạng “E-làng” và huấn luyện. Cộng tác viên dự án và nhóm của các thành viên còn chọn các làng có trách nhiệm dựa trên các ứng dụng CNTT trong lĩnh vực nông nghiệp, y tế, giáo dục, quản trị và các lĩnh vực khác để tiến hành liên tục các chương trình “e-nhận thức” và “e-biết chữ”, “e-nông nghiệp” để hỗ trợ. Các lớp đào tạo sử dụng máy vi tính cũng tiến hành cho trẻ em, thanh niên nông thôn và những người khác.

Từ năm 2005, “E-làng” cũng được triển khai tại một số vùng nông thôn Sri-lanka với sự giúp đỡ của Chương trình phát triển Châu Á - Thái Bình Dương, UNDP.

Từ lãng phí hàng chục ngàn tỷ đồng và quỹ đất xây dựng, nếu không phát huy được vai trò của các điểm BĐVH hiện nay ở nông thôn, thiết nghĩ mô hình “E-làng” ở Nhật Bản và các nước có thể là một gợi ý tốt để phát huy những cơ sở hạ tầng đã đầu tư, tạo ra những phúc lợi văn hóa-xã hội mới ở nông thôn, đồng thời góp phần giảm thiểu tình trạng “ly hương” và gia tăng áp lực nhiều mặt về môi trường, việc làm cho các vùng đô thị hiện nay ở nước ta.

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG
* Từ tháng 4-2005, làng Yamada được sáp nhập vào quận Toyama ở miền Tây, khác với làng Yamada, Shimohei District ở phía bắc bị ảnh hưởng sóng thần vừa qua.
;
.
.
.
.
.