.

Suy nghĩ từ kết quả một cuộc điều tra

Kết quả điều tra ý kiến du khách quốc tế của Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Đà Nẵng (sau đây gọi tắt là Viện KT-XH) vừa công bố là một việc làm mang lại nhiều thông tin bổ ích giúp các nhà quản lý, nghiên cứu chiến lược và kinh doanh du lịch có một cái nhìn và các chính sách thích hợp trong thời gian đến.
 
Với 523 mẫu phiếu khảo sát từ tháng 3 và tháng 12-2010 phát cho khách du lịch đến từ châu Âu, Bắc Mỹ, Úc, Đông Bắc Á và các nước Đông Nam Á được tổng hợp cho thấy đa số (gần 90%) khách đến với mục đích tham quan nhưng gần 80% không biết chắc họ có quay lại không! Chỉ có hơn 22% một chút cho biết sẽ quay lại. Du khách tham gia vào các hoạt động vui chơi, giải trí chỉ chiếm 29,5% và tham gia các lễ hội chỉ chiếm 23,95%, phân tích nêu rõ hoạt động vui chơi giải trí và lễ hội vẫn chưa thực sự thu hút khách quốc tế.
Thời gian lưu trú của du khách tại Đà Nẵng chiếm gần một nửa số người được hỏi. Số có thời gian lưu trú từ 1 đến 2 ngày và trên 3 ngày chia gần như đều nhau trong một nửa còn lại. Mức chi tiêu thấp, trên 92% tiêu dưới 1.000 USD không kể vé máy bay; 70,8% tiêu dưới mức 500 USD... Điều tra của Viện KT-XH không phản ánh trong số chi tiêu dưới 500 USD thì tiền ở và chi phí đi lại chiếm bao nhiêu. Nhưng nếu căn cứ vào giá thuê phòng khách sạn hiện nay trên địa bàn, thì có thể biết chi phí cho mua sắm, giải trí là rất thấp.

Mục đích du lịch chỉ để tham quan và chi tiêu ít ỏi, ngoài lý do thời gian lưu trú quá ngắn còn cho thấy các điểm đến chưa thu hút, điều kiện giải trí chưa hấp dẫn của thực trạng công nghiệp du lịch Đà Nẵng. Nhưng bên cạnh đó, theo chúng tôi còn là do năng lực tiếp thị, kết nối tour tuyến toàn vùng theo xu hướng liên kết còn khá yếu. Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Từ, mỗi khách du lịch nước ngoài chi trả trung bình ở Việt Nam hiện nay là 800 USD/tour, trong khi đó họ chi 1.200 USD khi ở Thái Lan và 2.200 USD ở Australia. Như vậy, mức chi tiêu của du khách tại Đà Nẵng chỉ mới bằng trên 60% mức chung mà Tổng cục Du lịch nêu ra. Điều này nếu không có những đánh giá khách quan để có những biện pháp quảng bá và đầu tư hiệu quả sẽ dẫn đến tình trạng “mẹ hát con khen hay” đã nghe khá nhiều. Nên nhớ rằng mặc dù hạ tầng du lịch và các khu du lịch lớn đã được đầu tư rầm rộ trong hơn mười năm qua, nhưng ngày lưu trú của du khách vẫn chưa tăng lên đáng kể.

Bên cạnh sự đơn điệu của các sản phẩm du lịch, chúng ta cũng đã bỏ qua rất nhiều cơ hội quảng bá để thu hút du khách, đồng thời với việc quảng bá chưa đến được với các thị trường tiềm năng. Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế là một ví dụ. Việc quảng bá, giới thiệu cần được thực hiện trực tiếp, đôi khi phải trước đó cả năm, với các thị trường du khách đường biển, các hãng du thuyền, các công ty lữ hành và tại các hội chợ du lịch quốc tế chưa được quan tâm đúng mức. Thành ra trong dịp này chưa thấy các đoàn du khách lớn đến tham dự mà đa số cũng chỉ là khách nội địa. Cũng nên lưu ý rằng du lịch phát triển trên cơ sở cùng khai thác hưởng lợi trên một chuỗi giá trị được tổ chức liên hoàn từ vận chuyển, ăn ở, tham quan, giải trí, mua sắm chứ không chỉ “đánh lẻ ăn lẻ”. Do vậy, mỗi một mắc xích trong chuỗi giá trị ấy cần được tổ chức gắn kết chuyên nghiệp và thường xuyên mà mỗi du khách sẽ nắm bắt được ngay trước khi có dự định tìm đến...

Giáo sư John Quelch của Đại học Thương mại Harvard, khi nói đến tiếp thị du lịch từng nhấn mạnh đến thế mạnh và sự hiệu quả của thông tin truyền miệng tại các nhóm du khách lớn khi một điểm đến tạo ra ấn tượng mạnh (kể cả tốt và xấu) cho họ. Do vậy, dù có đầu tư to lớn đến mấy mà các hiện tượng “phản tiếp thị” như ăn xin, chèo kéo, giành giật khách, vệ sinh môi trường hoặc nạn ép giá... vẫn còn thì thay đổi các chỉ số về sự quay trở lại, ngày lưu trú... sẽ luôn là một thách đố.

Cuối cùng, một điều tra cơ bản luôn luôn là điều cần thiết nhưng nó sẽ tăng giá trị hơn nữa khi các điều tra đặt ra được những câu hỏi về chất, trên cơ sở các phương pháp chọn mẫu khả tín, để có được những thông tin sâu hơn và tin cậy hơn cho mỗi vấn đề. Các điều tra xã hội của Viện KT-XH Đà Nẵng là đáng trân trọng không những trên lĩnh vực khách du lịch, mức độ hài lòng về hành chính công... Hy vọng rằng, các lĩnh vực liên quan đến khoa học-xã hội, nhân văn vốn là một khoảng trống lâu nay, sẽ được mở rộng hơn nữa trong thời gian tới.

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG
;
.
.
.
.
.