Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế đã trở thành thương hiệu của thành phố bên sông Hàn. Không những người dân Đà Nẵng mà du khách trong nước, quốc tế cũng háo hức chờ đợi “đại tiệc” của âm nhạc cùng vũ điệu sắc màu lung linh trong hai đêm 29 và 30-4.
Đây là cuộc thi lần thứ tư nhưng cảm xúc, sự háo hức trước “giờ G” về hình ảnh Đà Nẵng rực rỡ trong đêm pháo hoa dường như vẫn vẹn nguyên trong lòng người dân thành phố. Cuộc thi năm nay diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 36 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2011) và Đà Nẵng cũng vừa kỷ niệm 36 năm Ngày giải phóng thành phố (29-3-1975 – 29-3-2011). 36 năm xây dựng và phát triển, nhất là giai đoạn 14 năm sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đã tạo nên diện mạo Đà Nẵng ngày nay với sự năng động, trẻ trung, hiện đại. 36 năm là chặng đường dài đầy gian nan, thách thức cho cả nước cũng như cho Đà Nẵng sau khi khép lại quá khứ chiến tranh bi hùng và bước vào chặng đường mới của hòa bình. 36 năm có thể được xem là gia tài của những trải nghiệm trong xây dựng, phát triển để đất nước tiến lên hội nhập vững chắc và để Đà Nẵng nỗ lực không ngừng thay da đổi thịt.
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người khi được hỏi về sự lựa chọn nơi để sống ở Việt Nam đã trả lời ngay: Đà Nẵng. Nguyên nhân không chỉ vì Đà Nẵng được thiên nhiên ưu đãi với biển, núi, sông mà còn bởi cơ sở hạ tầng, cảnh quan, môi trường sống cùng các dịch vụ đang ngày càng được hoàn thiện. Không ít người con của Đà Nẵng xa quê hương vẫn chất chứa nỗi nhớ thành phố da diết, mong muốn trở về để thả mình trong màu xanh trong trẻo của biển, hay thưởng thức lại hương vị thức ăn đậm đà, giống như sự mặn mà của dải đất và tình người nơi đây.
Ông Bùi Thiện Cảnh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đô thị FPT Đà Nẵng, cho rằng tiềm năng lớn nhất của Đà Nẵng là con người, cảnh quan, an ninh, môi trường. Bản thân ông cùng gia đình không những đã lựa chọn Đà Nẵng để sinh sống mà còn ấp ủ tham vọng góp phần cùng thành phố xây dựng công nghiệp phần mềm, đồng thời mang lại một khu đô thị công nghệ kiểu mẫu với đầy đủ các tiện ích và cộng đồng dân trí cao. Hay Đà Nẵng cũng là duyên nợ với “ông Tây khuyến học” Enzo Falcone - Chủ tịch Hội Từ thiện Care the People của Ý. Từ châu lục xa xôi với sự khác biệt về văn hóa, khí hậu, Enzo đã gắn bó với thành phố hơn 8 năm qua và gọi đây là quê hương thứ hai. Tất nhiên, ông Cảnh và ông Enzo chỉ là hai trong số hàng trăm người định cư ở Đà Nẵng vì yêu mến thành phố biển này.
Đà Nẵng có lẽ được cả nước biết đến từ thương hiệu thành phố “5 không”, “3 có”. Để sau đó là hàng loạt câu chuyện khác cũng “mang tên Đà Nẵng” về chỉnh trang đô thị, cải cách hành chính, đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao…
Cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng đặt mục tiêu phải xây dựng thành phố Singapore trở thành nơi lý tưởng để sống và nuôi dạy trẻ em. Bởi lẽ, ông cho rằng muốn xây dựng lòng tin lâu dài ở các nhà đầu tư, trước hết phải tạo cho họ sự tin tưởng vào tương lai phát triển. Khái niệm “thành phố đáng sống” cũng đang được lãnh đạo Đà Nẵng đặt ra như mục tiêu đến năm 2020 và biết đâu cũng sẽ trở thành thương hiệu cho vùng đất được xem là trọng điểm kinh tế, văn hóa của miền Trung.
“Đại tiệc” của ánh sáng, âm nhạc trong sự thăng hoa của cảm xúc sắp khai cuộc. Hướng đến cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế để kỳ vọng về một Đà Nẵng bay lên. Hướng đến cuộc thi để yêu mến, tin tưởng về tương lai của một thành phố cho tất cả mọi người.
TÚ PHƯƠNG