Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động bước sang năm thứ 11. Trong mười năm qua, “Ngày vì người nghèo” tại Đà Nẵng đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo mọi tầng lớp xã hội vì đó cũng là mục tiêu an sinh xã hội mang tính cộng đồng cao cả.
Theo báo cáo tại lễ phát động ngày 30-3, trong mười năm qua, các cấp MTTQ và các tổ chức thành viên đã vận động được gần 600 tỷ đồng để thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội nói chung, trong đó riêng quỹ “Vì người nghèo” thu được hơn 65 tỷ đồng. Cùng với các nguồn lực khác của thành phố, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố và các tổ chức thành viên đã hỗ trợ xây dựng được trên 8 ngàn căn nhà Đại đoàn kết cho những gia đình nghèo có nơi ở ổn định; hàng chục nghìn hộ thoát nghèo sau khi đã an cư; 18 ngàn lượt người nghèo được hỗ trợ khám chữa bệnh; nhiều trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh đã được tài trợ phẫu thuật, trở lại cuộc sống bình thường...
Tại buổi phát động, ban tổ chức đã trình chiếu những thước phim phóng sự về những mảnh đời bất hạnh, những em học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn khát khao được học tập, mong ước vươn lên trong cuộc sống để trở thành những công dân tốt. Cũng theo báo cáo, ngoài 2 ngàn suất trợ cấp cho học sinh nghèo của Cienco 5, năm nay chương trình sẽ tài trợ xây dựng trên 150 căn nhà đại đoàn kết, tiếp tục giúp đỡ 4 ngàn người nghèo có chi phí khám chữa bệnh và hàng ngàn học sinh có điều kiện tiếp tục đến trường... góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của thành phố xuống dưới 10% (năm 2010 trên 14% theo chuẩn của thành phố) và không để học sinh phải bỏ học nửa chừng vì lý do kinh tế...
Những con số trên cho thấy một chủ trương có tính nhân văn cao luôn được sự hưởng ứng và chung tay của toàn xã hội. Nhưng bao giờ cũng vậy, bên cạnh sự đồng thuận, một chủ trương có sức sống đòi hỏi phải được quản lý, thực thi đúng mục đích và bảo đảm được tính minh bạch.
Như chúng ta đã biết, tốc độ giảm nghèo của Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng trong những năm qua đã đạt được những thành tích đáng kể nhờ vào sự quyết tâm của toàn xã hội. Tuy vậy, vẫn ẩn chứa những yếu tố thiếu bền vững, tỷ lệ hộ cận nghèo khá đông rất dễ tái nghèo do những bất cập trong xây dựng chiến lược, triển khai các dự án cụ thể, xây dựng các quy hoạch mới và những tiêu cực trong quá trình đô thị hóa. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, những nơi có nguy cơ cao về tái nghèo cần tập trung tài chính để thực hiện các nội dung mang tính toàn diện ngay trên từng địa bàn, đó là tạo ra công ăn việc làm ổn định, cung cấp các dịch vụ cơ bản, cải thiện cơ sở hạ tầng, và các chương trình an sinh xã hội cho những người dễ bị ảnh hưởng nhất.
Ông Lumina, Tiến sĩ luật người Zambia là một chuyên gia độc lập vừa có chuyến công tác tại Việt Nam để đánh giá về những vấn đề kinh tế-xã hội đã đặc biệt ca ngợi những tiến bộ của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc (MDGs), trong đó có thành tích giảm nghèo. Ông cũng đồng thời tán thành chiến lược phát triển của nước ta theo mục tiêu lấy con người làm trung tâm của các chiến lược, đã nhấn mạnh phát triển chỉ thực sự có ý nghĩa khi mà nó thực sự phục vụ từng con người, và được họ làm chủ. “Tuy nhiên, để bảo đảm được cách tiếp cận này, các chương trình và chính sách kinh tế-xã hội... cần đề cao sự tham gia của người dân, tính minh bạch và chịu trách nhiệm...”.
Trên cơ sở những đánh giá, nhận định mang tính khách quan nêu trên, những thành tựu trong chương trình “Vì người nghèo” của Đà Nẵng (hay Việt Nam nói chung), cần được lồng ghép vào những dự án kinh tế-xã hội mang tính bền vững, trong đó tiện ích về an sinh xã hội và việc làm cho người nghèo phải trở thành “chiếc cần câu” lâu dài. Bên cạnh đó, sự minh bạch và tham gia của người dân, cộng đồng dân cư vào quá trình thực thi, quản lý các quỹ, các dự án cũng cần được coi như một chuẩn mực bắt buộc để tránh những rò rỉ đáng tiếc như ta từng thấy ở nơi này nơi khác...
NGUYỄN SÔNG HÀN