Mới 4 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng trên 10%, nhập siêu cũng lên gần 5 tỷ USD, tỷ lệ lạm phát tăng cao gấp 1,5 đến 2 lần so với nhiều nước.
Đó là những thông tin không vui sáng qua trên mặt báo. Đến trưa, trên bàn ăn gia đình, bà nội trợ kể: Ổ bánh mì sáng của các con tăng từ 12 ngàn lên 15 ngàn; bó rau từ 3 lên 6 ngàn, thịt cá từ sau Tết đến giờ đã vượt mức 20%... Bà nội trợ bảo: Tận dụng mấy chậu kiểng bỏ không trên sân thượng, mua lưới về che nắng và mua hạt rau về gieo, sẽ giảm bớt tiền mua rau xanh. Từ đầu tuần tới, hai vợ chồng đi làm chung một xe máy để giảm tiền đổ xăng... Có miếng đất bố mẹ cho, đứa con đòi bán để mua ô-tô, bà phản đối kịch liệt. “Để dành đó, đất giữ được giá trị khi đồng bạc eo xèo!”. Bà bình luận tiếp: “Tất tần tật các mặt hàng đều tăng xa so với chỉ số CPI Chính phủ công bố! Ta phải tự cứu thôi!”.
Chiều, một doanh nhân là chủ đầu tư một khu công nghiệp vốn ăn nên làm ra kể: Tiền cho thuê đất đã ký hợp đồng dài hạn với các đối tác không thể tăng, nhưng chi phí bảo dưỡng đường sá, hạ tầng, quản lý... tăng vùn vụt vì lệ thuộc vào nhiều thứ nguyên, nhiên liệu lẫn giá nhân công. Muốn ổn định lâu dài trước đà tăng giá, anh ta nghĩ ra một cách đơn giản: Có chút vốn tích lũy của đơn vị đổ đi mua mấy khu đất vì tiên liệu giá đất sẽ cao hơn lãi suất ngân hàng... Một doanh nhân khác là đơn vị chế biến hàng xuất khẩu quyết định hoãn xây trụ sở mới, dù thiết kế đã được thẩm định, hợp đồng thi công đã ký tuần trước. Anh lý luận, Nhà nước còn cắt giảm đầu tư công để tránh rủi ro ở tầm vĩ mô, ta cũng phải vậy trước đà trượt giá hiện nay. Anh lý giải: “Chỗ làm của cơ quan tôi tuy chật, nhưng tôi có cách thay đổi cách làm việc, không quản quân các bộ phận gián tiếp theo kiểu có mặt 8 giờ mỗi ngày nữa, mà quản công việc trên mạng Internet. Chỉ bộ phận lãnh đạo có mặt ở cơ quan, khi cần họp mới gọi nhân viên đến... Miếng đất mới dự định xây cơ quan để đó làm vốn dự phòng!”.
Trong thời gian qua, trên thực tế có rất nhiều nhà đầu tư (kể cả cá nhân) rút vốn từ thị trường chứng khoán và ngân hàng để đổ vào đất vì độ an toàn hoặc sinh lợi cao hơn. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng mạnh tay chọn lựa đầu tư vào các khu đô thị mới, vào sân golf... tạo ra những cơn sốt cục bộ về nhà đất. Các chính sách điều tiết vô tình hay cố ý đã tạo ra một kẽ hở hoàn toàn không có lợi cho sản xuất và xuất khẩu!
Đúng là đã có rất nhiều cách “chôn tiền vào đất” khác nhau trong tính toán của các bà nội trợ và các doanh nhân, bên cạnh những biện pháp cắt giảm chi tiêu để bảo đảm an toàn trước bão hoặc chọn lựa độ an toàn cho đồng vốn. Nhưng “chôn tiền vào đất” theo các nhà kinh tế học là hành vi “vô hiệu hóa tư bản” trong khi nó cần được đầu tư vào sản xuất để vực dậy nền kinh tế đang yếu kém ở những nước chậm phát triển, vốn trình độ sản xuất lạc hậu, mất cân đối mậu dịch do tích lũy vốn thấp và lệ thuộc các nước lớn (như nhập siêu hay phải vay ODA chẳng hạn). Nhưng tính toán của họ hoàn toàn có lý lẽ trong ý thức tự bảo vệ, đôi khi đi ngược với những lý thuyết vĩ mô. Vậy vấn đề ở đây là gì?
Là ai cũng thấy rõ những hiện tượng nêu trên cũng như các hệ lụy của nó. Đặc biệt là ở tầm quản lý vĩ mô, nhưng lại thiếu những hành động làm gương. Có nhiều dẫn chứng cho điều này: Một giải pháp được coi là quan trọng để kiềm chế lạm phát là cắt giảm đầu tư công nhưng trên thực tế, nhan nhản những công trình xây dựng cơ quan làm việc, những công trình chưa mang tác động trực tiếp cho phát triển với vốn hàng trăm, hàng ngàn tỷ vẫn được khởi công đây đó chưa được kiểm soát; hoặc khoanh nợ rồi tiếp tục đổ vốn cho các đơn vị kinh tế Nhà nước làm ăn thiếu hiệu quả. Trong khi đó doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận được các nguồn tín dụng ưu đãi, đành “đánh đu” với các khoản vay lãi suất cao để duy trì công ăn việc làm cho người lao động. Chính phủ lo lắng về nhập siêu nhưng những mặt hàng xa xỉ đến những nông sản thông thường vẫn ào ạt tràn vào thị trường nội địa, kể cả hàng lậu nhưng thiếu biện pháp chế tài hiệu lực. Quan chức các cấp mấy ai dùng hàng nội địa mặc dù đã có chủ trương “ưu tiên dùng hàng Việt”!...
Những biểu hiện đó kéo dài đã vô tình tiếp tay cho các hành động đối phó mang tính tiêu cực với đại cuộc theo kiểu “chôn tiền vào đất”, chỉ vì ta thiếu những hành động làm gương từ trên xuống.
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG