.

Hãy vì cái lợi lâu dài

Bên cạnh rất nhiều dư vị ngọt ngào của những ngày lễ hội vừa qua ở Đà Nẵng, vẫn còn đó một dư vị mặn chát: tình trạng tăng giá của một số dịch vụ.

Đêm đầu tiên của Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2011 (DIFC 2011), người gửi xe máy tại một số điểm giữ xe trên đường Phạm Văn Đồng phải trả đến 20.000 đồng, thậm chí 40.000 – 50.000 đồng/xe, cao gấp từ 4 đến 10 lần so với mức giá quy định của thành phố là 5.000 đồng/xe máy. Cũng trong đêm đầu tiên của DIFC 2011, giá phòng tại một khách sạn ở khá xa địa điểm bắn pháo hoa được thông báo 300.000 – 400.000 đồng, nhưng khách tới liên hệ đặt phòng liền bị “hét” lên 1 triệu đồng. Tại DIFC 2011, lần đầu tiên thành phố cho phép bán vé xem pháo hoa trên thuyền với mức giá không quá 200.000 đồng/vé/đêm, nhưng thực tế, có đơn vị được phép kinh doanh bán đến 600.000 đồng, thậm chí có nơi bán đến 1,2 triệu đồng/vé, cao gấp từ 3 đến 6 lần. Mặc dù các đơn vị này lý giải giá vé trên áp dụng theo tour, không bán vé lẻ nhưng thực sự họ đặt khách hàng vào thế đã rồi và người tiêu dùng không có quyền lựa chọn mức giá theo quy định.

Lý do khá dễ dãi được các chủ dịch vụ đưa ra để vô tư tăng giá gần như là như nhau: “Một năm mới có một lần!” (nên tha hồ “chặt chém?!). Đây rõ là một tư duy kinh doanh đáng lo ngại và phản ánh nhận thức trách nhiệm đối với xã hội, cộng đồng còn rất kém.

Theo con số thống kê của ngành du lịch, trong dịp lễ hội vừa qua, với điểm nhấn là DIFC 2011, thành phố Đà Nẵng đón khoảng 300.000 lượt du khách, tăng gần gấp 3 lần so với dịp này năm ngoái. Một con số ấn tượng và rất khích lệ cho những người làm du lịch nói riêng và cho thành phố Đà Nẵng nói chung. Điều đó cho thấy một thực tế: DIFC đã và đang là một sản phẩm du lịch đặc biệt, mang thương hiệu riêng Đà Nẵng, và ngày càng thu hút đông đảo du khách đến Đà Nẵng. Không chỉ có vậy, cách thức tổ chức chuyên nghiệp, đón tiếp tận tình và phục vụ chu đáo của Ban tổ chức và người dân Đà Nẵng đã để lại rất nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách và qua đó, hình ảnh Đà Nẵng đã được quảng bá rộng rãi, vượt khỏi biên giới quốc gia.

Tuy nhiên, tư duy kinh doanh và nhận thức trách nhiệm đối với xã hội, cộng đồng, đối với cái chung, đối với thành phố của một bộ phận như đã nêu trên chắc chắn khiến nhiều du khách khó chịu và họ không chắc, thậm chí không muốn quay trở lại. Đây mới chính là cái đáng lo nhất. Thành phố đã vượt qua biết bao khó nhọc mới tổ chức và duy trì được một lễ hội mang tầm quốc tế như lễ hội pháo hoa. Từ lễ hội, toàn thể nhân dân được hưởng, trước hết là các doanh nghiệp có cơ hội kinh doanh hiệu quả tốt chưa từng có. Vậy không thể vì cái lợi trước mắt mà làm ảnh hưởng đến môi trường du lịch của thành phố, bởi vì suy cho cùng chính doanh nghiệp là người chịu ảnh hưởng xấu trước tiên.

Tạo ra một sản phẩm du lịch độc đáo đã khó, thu hút đông đảo du khách đến càng khó và giữ chân du khách lại càng khó nữa.

Đà Nam
;
.
.
.
.
.