.

“Hung thần” rình rập

Câu chuyện “hung thần” xe ben gây tai họa cho gia đình anh Lê Văn Tuấn trên đường tránh Nam Hải Vân (thành phố Đà Nẵng) khiến bất kỳ ai cũng cảm thấy kinh hoàng. Hiểm họa trên các tuyến đường địa bàn thành phố do những “hung thần” tung hoành luôn rình rập.

Không biết các tài xế xe ben nghĩ gì khi phương tiện do chính mình điều khiển bỗng được gán tên gọi “hung thần” và trở thành nỗi khiếp sợ đối với người tham gia giao thông? Tuyến đường tránh Nam Hải Vân, quốc lộ 14B, đường Cách mạng Tháng Tám, đường Tôn Đức Thắng, Hoàng Văn Thái…, nhất là những cung đường trên địa bàn huyện Hòa Vang, thường mang lại nỗi ám ảnh, lo ngại cho biết bao người. Không thể đổ lỗi vì gánh nặng cơm áo, gạo tiền nên phải đạp ga, tăng tốc, tăng chuyến mà phớt lờ tính mạng con người. Không thể vì mưu sinh mà vất bỏ lương tâm. Nhưng dường như các tài xế xe ben đang vô cảm trước đau thương, mất mát của các gia đình - nạn nhân của những chiếc xe khổng lồ thường bất chấp luật giao thông. 

Trong đợt cao điểm Cảnh sát Giao thông Công an Đà Nẵng ra quân xử lý các loại xe ben, xe tải chở đất, cát trên địa bàn thành phố vào tháng 3 vừa qua, chỉ trong 3 ngày có đến hơn 300 xe ben chở đất vi phạm. Trong đó, hơn 200 trường hợp cơi nới thùng xe để chở quá tải. Con số này cũng đủ thấy nếu không có sự kiểm soát và chế tài nghiêm ngặt thì “hung thần” sẽ tung hành đến mức nào. Đó là chưa kể những trường hợp chạy quá tốc độ, không bằng lái, rơi vãi đất, đá xuống đường. Hơn ai hết, người gánh chịu lại là những người tham gia giao thông và những hộ dân sống ven đường. Ai biết, cảm thông, sẻ chia câu chuyện thương tâm bao phủ gia đình nghèo ở xã Điện Hồng (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) hẳn không khỏi lo lắng cho cuộc sống và tương lai của cháu Tiến - con trai của anh Tuấn - khi cha chết, mẹ trong tình trạng nguy kịch, bản thân cậu bé 4 tuổi này vẫn đang mê man trong bệnh viện. Cháu Tiến rồi sẽ bơ vơ.  

Vấn đề là không thể để những “hung thần” cứ tiếp tục đạp ga, tăng tốc, dẫn đến có thêm những gia đình chịu nỗi đau như gia đình anh Tuấn. Nhưng giải pháp để khống chế cuộc đua của những “hung thần” không đơn giản khi mỗi ngày có gần 5.000 lượt xe ben chở đất, cát trên các tuyến đường Đà Nẵng. Hơn nữa, không phải lúc nào Cảnh sát Giao thông cũng có thể kiểm soát được việc lưu thông và sự vi phạm của xe ben, bởi vẫn còn đó tình trạng “lờn thuốc”, rủ nhau đi đường vòng, đồng thời báo tín hiệu cho nhau để qua các “cửa ải”. Dẫu biết giải pháp cho vấn nạn này là khó nhưng không thể bế tắc, mà cần kiên quyết cùng chế tài mạnh tay không chỉ với tài xế mà còn với cả chủ phương tiện, doanh nghiệp.

Thật xót xa khi cả nước có khoảng 11.000 người chết vì tai nạn giao thông mỗi năm. Bên cạnh đó là hàng loạt trường hợp bị thương tật suốt đời, để lại gánh nặng cho gia đình, xã hội. Riêng thành phố Đà Nẵng trong quá trình đô thị hóa, tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội cũng như xây dựng nếp sống văn minh thì không có lý gì lại để vấn nạn “hung thần” xe ben ngày ngày đe dọa cuộc sống và tính mạng của người dân. Các cơ quan chức năng cần vào cuộc bằng những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt và mang tính dài hạn. Tuy nhiên, chế tài thì hữu hạn, quan trọng và hiệu quả nhất là ý thức con người. Vẫn biết là vậy, nhưng nếu chỉ trông chờ vào ý thức của những “hung thần” xe ben xem ra sẽ hoài công. 

VĨNH AN
;
.
.
.
.
.