.

Kiểm soát thủ tục hành chính

Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) vừa mở khóa bồi dưỡng đặc biệt cho 10 tỉnh, thành phố miền Trung cùng với 24 bộ, ngành có liên quan về việc đơn giản hóa TTHC cũng như các nguyên tắc để kiểm soát, giảm bớt các phiền hà, nhằm duy trì tính hiệu quả của Đề án 30 (đơn giản hóa TTHC), tạo ra bước đột biến thực sự trong bộ máy hành chính công nói riêng, tất cả các dịch vụ hành chính công nói chung.
 
Có thể nói rằng bấy lâu nay, tình trạng đánh trống bỏ dùi hay nói theo ngôn ngữ dân gian - đầu voi đuôi chuột trong cung cách làm việc của ta là khá phổ biến. Nguyên nhân có nhiều nhưng cái chính, cái chủ yếu là giải pháp đưa ra không có các chế tài thích hợp, quyết liệt. Nếu những sai lầm, bất cập cứ được ca theo bài ca quen thuộc là kiểm điểm, rút kinh nghiệm thì không thể tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ bởi, bao giờ cũng vậy, các thế lực thủ cựu có trăm phương ngàn kế trong mục đích duy trì trật tự cũ.

Từ thực tế trên, việc kiểm soát TTHC (được tiến hành đồng thời với các chế tài mạnh mẽ về phương thức, quyết liệt về tính hiệu quả, rõ ràng về mặt trách nhiệm) là điều kiện tiên quyết của mọi bước đi thành công của Đề án 30. Chẳng hạn, việc kéo dài thời hạn (là thủ tục cố ý thường thấy) nhất thiết phải được chấm dứt bằng những thời hạn cụ thể. Đà Nẵng đã có những bước đi phải nói là rất tuyệt vời khi quy định thời hạn cụ thể của việc cấp phép chủ quyền sử dụng đất... Nếu tất cả mọi TTHC đều được lượng hóa về thời gian, quy hoạch đúng về mặt không gian thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều công sức, tiền của, phiền hà. Một vấn đề nữa không thể không đặt ra là các TTHC rất dễ bị biến hóa từ tình trạng nhiều cửa thành một cửa nhưng có nhiều “ổ khóa” làm cho người dân phải tiếp tục chịu đựng sự phiền hà được “biến hoá, thao tác” một cách tinh vi mà phải người trong nghề, trong ngành mới hiểu được tỏ tường...

Vài ví dụ trên đây nói lên rằng kiểm soát TTHC phải là bước đi đầu tiên, với những cán bộ được lựa chọn kỹ càng về nghiệp vụ, đạo đức (nhất là những cán bộ đó luôn phải có tinh thần dám thay đổi, táo bạo trong thay đổi). Lâu nay, thường cho rằng cán bộ lãnh đạo các cấp chỉ cần hồng và chuyên là đủ. Đây là nhận thức đúng nhưng chưa đủ. Người lãnh đạo, kiểm soát guồng máy phải có đức tính táo bạo. Táo bạo trong cách dám quyết định, dám chịu trách nhiệm; táo bạo trong cách áp dụng kỷ luật sắt cần thiết vì làm vừa lòng tất cả mọi người là sự sai lầm nguy hại của thay đổi và tiến bộ; táo bạo trong cách phát hiện vấn đề mới, yếu tố mới ích nước, lợi dân...

Một điều rất cần phải nhấn mạnh là kiểm soát thủ tục hành chính không thể chỉ là công việc nội bộ của các cơ quan công quyền. Ý kiến của người dân, các nhà kinh doanh luôn phải được coi là kênh thông tin, khảo sát hiệu quả nhất. Trong lịch sử của bộ máy hành chính công của ta (tương tự như việc tạo ra các môn học ở trường đại học), thay đổi không vì mục đích của đa số mà là vì để tùy việc, tùy người. Không ít các trường đại học không dám cắt bỏ một môn học đã lỗi thời vì nó động chạm đến quyền lợi, uy tín của thầy nọ, cô giáo kia. Sự giống nhau kỳ lạ ấy (ở nhiều lĩnh vực khác cũng tương tự) nói lên rằng để thay đổi mà không có chế tài mạnh, không có những cán bộ giám sát không bảo thủ thì không thể nào thúc đẩy quá trình cải cách nhanh chóng. Rõ ràng, sức ỳ của những người có chức vị là rất lớn: Họ sợ thay đổi nhanh quá sẽ không thích ứng kịp nên rất dễ bị đào thải; và vì thế, họ tìm cách chống lại hay trì hoãn những cải cách.

Kiểm soát TTHC là việc “cần làm ngay” quan trọng nhất trong tất cả những việc cần làm ngay, theo cách nói của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Có thể thấy rằng “bộ tứ” giải pháp thành công là: Cán bộ điều hành phải là thế hệ mới; chế tài phải mạnh, kiên quyết; các biện pháp kiểm soát phải tiến hành thường xuyên, nhất thiết không theo thời vụ; và, sau cùng, phải mạnh dạn thay thế tất cả các cán bộ có dấu hiệu kìm hãm hay chống lại một cách ngấm ngầm những thay đổi tiến bộ.

 Tô Vĩnh Hà
;
.
.
.
.
.