Nghịch lý lớn đang xảy ra trên thị trường tiền tệ, đó là: Trong khi tỷ giá USD/VNĐ tiếp tục xu thế giảm, nguồn cung ngoại tệ của hệ thống ngân hàng tăng lên, nhưng ở chiều ngược lại nguồn vốn tiền đồng hiện vẫn rất “khát”.
Đây là lý do giải thích tại sao tình trạng phá rào trần lãi suất lâu nay ngấm ngầm diễn ra phổ biến (không dưới 17-18%/năm), khiến cho lãi suất cho vay tăng vọt, thậm chí lên đến 26%/năm. Vốn huy động của toàn hệ thống ngân hàng từ đầu năm đến nay hầu như tăng không đáng kể, nhưng hiện tượng “rút ruột” lẫn nhau, vốn chạy lòng vòng, khai thác chênh lệch lãi suất cao… đã trở thành vấn nạn không chỉ đối với ngân hàng thương mại mà cả với những doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Nếu nhìn nhận dưới góc độ pháp luật, trần lãi suất tiền gửi 14% trên thực tế đã bị vô hiệu hóa. Vô hình trung, sự đánh đồng giữa những ngân hàng chấp hành nghiêm túc và không nghiêm túc với nhau đã dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, bất bình đẳng, gây rối loạn mặt bằng lãi suất. Tuy nhiên xét trên góc độ kinh tế, việc áp đặt trần lãi suất mà không tính toán đầy đủ tác động của áp lực lạm phát cũng như tâm lý thị trường đã dẫn đến những tác dụng ngược. Tình huống này đang đặt NHNN ở vào thế phải lựa chọn, hoặc dỡ bỏ trần lãi suất để cung - cầu vốn tự điều tiết theo quan hệ thị trường, hoặc tiếp tục áp đặt những biện pháp hành chính mạnh mẽ hơn nhằm giữ vững sự ổn định như mong muốn? Vấn đề đặt ra là, liệu có phải NHNN đang trở nên quá đơn thương độc mã trong tiến trình chống lạm phát?
Nhiều ý kiến cho rằng, gánh nặng đang đặt phần lớn trên vai chính sách tiền tệ, trong khi sự phối hợp từ chính sách tài khóa thực sự chưa có những đột phá lớn. Thực tiễn điều hành chính sách tỷ giá vừa qua cũng cho thấy rằng, sau khi tích cực bình ổn thị trường chợ đen, dòng ngoại tệ quay ngược và chảy mạnh vào hệ thống ngân hàng. Điều này chứng tỏ nguồn vốn tiềm ẩn trong xã hội, nhất là trong một bộ phận lớn dân cư thực sự vô cùng lớn, đòi hỏi phải có những quyết sách thông minh để khai thác tốt nhất nguồn lực này.
Thiết nghĩ, đã đến lúc cần phải có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn để bình ổn thị trường tiền tệ, nếu không nền kinh tế sẽ có nguy cơ rơi vào tình trạng đình đốn vì sức ép lạm phát và lãi suất cao. Trước mắt NHNN cần nhất quán quan điểm chính sách tỷ giá phù hợp nhằm tạo điều kiện cho ngân hàng thương mại mạnh dạn mua bán ngoại tệ, trong đó NHNN cần làm tốt “Người mua bán cuối cùng” không vì lý do lợi nhuận mà trước hết phục vụ mục tiêu bình ổn vĩ mô, tăng mạnh nguồn cung tiền đồng ra thị trường. Trong tình thế chưa thể dỡ bỏ ngay thì cần cân nhắc tăng lãi suất cơ bản và nâng trần lãi suất tiền gửi ở mức độ hợp lý trong mối tương quan với mức độ kỳ vọng về chỉ số tiêu dùng từ nay đến cuối năm, qua đó góp phần giảm nhiệt sự căng thẳng về lãi suất huy động trên thị trường.
Những ngân hàng nào vi phạm trần lãi suất quy định nhất thiết phải có chế tài xử lý mạnh, kể cả đình chỉ hoạt động, cách chức giám đốc điều hành, không để tình trạng tự phát gây rối thị trường, quá thiên về lợi ích cục bộ mà bỏ qua lợi ích chung của toàn bộ nền kinh tế. Về phía các doanh nghiệp, không nên có tâm lý dựa dẫm, hoặc đặt quá nhiều kỳ vọng vào tiến trình giảm nhanh lãi suất, bởi vì chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm giảm sức ép lạm phát hiện vẫn là ưu tiên hàng đầu, không còn con đường nào khác. Đây là lúc doanh nghiệp phải biết kiên trì chịu đựng, tính toán cơ cấu lại sản xuất kinh doanh theo hướng căn cơ nhất, tích cực điều chỉnh quy mô hoạt động, gạt bỏ tư tưởng đầu cơ bất lợi vào những lĩnh vực nhiều rủi ro, cải thiện năng lực quản lý. Đặc biệt là phải phối hợp chặt chẽ với ngân hàng phục vụ mình nhằm tìm ra những đối sách sáng tạo, ứng phó linh hoạt với tình hình xem ra vẫn còn nhiều khó khăn và phức tạp trong thời gian đến.
THANH THỦY