.

Liên kết vùng

“Miền Trung dưới cánh máy bay”, “tự cô lập”, “nạn cát cứ”, “cạnh tranh không lành mạnh”... đó là những cụm từ được dùng nhiều lần trên các phương tiện thông tin đại chúng lẫn các diễn đàn kinh tế, xã hội khi nói về sự yếu kém của khu vực suốt từ thời bao cấp đến nay.

Bên cạnh các đánh giá như trên, đã có nhiều nghiên cứu quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội do các bộ, ngành Trung ương lẫn các tổ chức quốc tế được thực hiện. Các cuộc hội thảo cũng đã được tổ chức với trọng tâm tạo ra được một sự liên kết để phát triển vùng và phát huy sức mạnh của từng tỉnh, thành phố; đồng thời nêu ra các thực trạng để tìm biện pháp khắc phục... Chúng tôi đã tham dự nhiều lần vào các sinh hoạt như trên trong hơn hai thập niên qua và nhận thấy những bước chuyển biến đã tỏ ra rất chậm chạp. Bởi lẽ, quyết tâm từ các hội nghị thì rất cao, ai cũng thấy phân tích đánh giá của nhiều chuyên gia đầu ngành, nhiều nhà khoa học về tình hình là khá chính xác. Có đại biểu từng rưng rưng nói rằng rất đau xót khi thấy tình trạng mạnh ai nấy làm, các tỉnh đua nhau xây sân bay, cảng biển, mở khu công nghiệp rất lãng phí; thậm chí tranh chấp về giá cả nguyên liệu, khai thác nguồn hàng, đón đưa khách du lịch, kêu gọi đầu tư... “Nạn cát cứ chỉ làm cho miền Trung đã yếu càng yếu thêm so với hai đầu đất nước”, vị đại biểu trên kết luận.

Vấn đề tồn tại ai cũng có thể thấy từ thực trang này là thiếu một quyết tâm chung của lãnh đạo các địa phương và cả sự điều hành, phân công thường xuyên trong thực hiện quy họach, kế hoạch từ phía Trung ương. Lãnh đạo từ Trung ương chỉ có mặt trong các cuộc họp mang tính đột xuất hoặc trong từng chiến dịch ứng phó với thiên tai, còn vai trò điều phối thì vẫn còn buông lỏng. Thậm chí, có dư luận rằng tỉnh, thành nào “giỏi chạy”, “giỏi quan hệ” với các bộ, ngành Trung ương thì có được các dự án béo bở về cho địa phương mình, bất chấp có quy hoạch hay chưa!

Trên thực tế, hơn ba chục năm qua, lãnh đạo các tỉnh, thành khu vực miền Trung (và cả Tây Nguyên) đã có một lần có được tiếng nói chung khi đề nghị với Trung ương đầu tư xây dựng thủy điện Yaly năm 1989 để giải bài toán năng lượng. Bên cạnh đó là những phối hợp mang tính nhỏ lẻ về cứu trợ thiên tai, phát triển, quảng bá các tuyến du lịch giữa vài ba tỉnh... chưa tạo ra một diện mạo “chung sức, chung lòng” cho những vấn đề mang tính chiến lược.

Vì vậy, buổi gặp mặt của các Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy và Chủ tịch UBND các tỉnh từ Phú Yên đến Thừa Thiên-Huế tại Đà Nẵng nhân dịp kỷ niệm 36 năm thống nhất đất nước vừa qua có một ý nghĩa bước ngoặt. Các vị lãnh đạo nêu trên đều có cùng nhìn nhận rằng các tỉnh, thành trong khu vực tuy có những tiềm năng về kinh tế biển, du lịch, sân bay, khu công nghiệp, đào tạo nhân lực... cũng như quan hệ với các địa phương của Lào, Campuchia, Thái Lan thông qua tuyến Liên Á, nhưng việc liên kết, hợp tác phát triển trong khu vực vẫn còn rời rạc, manh mún; nhận thức và quyết tâm chính trị về liên kết chưa đầy đủ... Cần đẩy mạnh việc liên kết nhằm định hướng phát triển cho từng địa phương cũng như cả khu vực, tạo tiếng nói chung trên các lĩnh vực xúc tiến đầu tư, chính sách xã hội, nhân lực, biến đổi khí hậu... và quyết định sẽ tổ chức một hội thảo chuyên đề tại thành phố Đà Nẵng “Chiến lược liên kết, phát triển vùng” vào cuối tháng 6-2011 tới đây để ký kết thỏa thuận nhằm sớm đưa các chính sách liên kết phát triển mang tính khu vực cho giai đoạn mới.

Đây là một quyết tâm cần được ủng hộ rộng hơn, quyết liệt hơn không chỉ từ lãnh đạo các tỉnh, thành vừa kể. Theo chúng tôi, các địa phương khác từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Khánh Hòa nên là những đối tác có mặt tại diễn đàn này cùng với các chuyên gia kinh tế, các nhà quản lý từ Trung ương để đưa ra được nhiều ý kiến đa chiều và những quyết sách có tính khả thi cao. Bên cạnh đó, và quan trọng không kém, đó là xác lập một vai trò “nhạc trưởng” mang tính lâu dài để tạo được nền móng tổ chức của việc phân công và liên kết để tạo ra các hiệu quả thiết thực.

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG
;
.
.
.
.
.