An toàn thực phẩm (ATTP) là lĩnh vực người dân quan tâm đặc biệt, có ý nghĩa quan trọng về kinh tế-xã hội, bảo vệ sức khỏe giống nòi. Thế nhưng, dù có nhiều nỗ lực, công tác bảo đảm ATTP luôn bộc lộ những hạn chế, gây tổn hại cho cơ thể con người.
Năm 2010, cả nước xảy ra 175 vụ ngộ độc thực phẩm, 5.664 người mắc, 42 trường hợp tử vong. Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, kết quả kiểm tra tại một số địa phương cho thấy, nhóm vật tư nông nghiệp có 30% số cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa đạt yêu cầu và 60% nhóm thủy hải sản, 67% nhóm sản xuất rau quả không bảo đảm an toàn. Nhiều cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm không có giấy phép. Điều đó cho thấy, còn rất nhiều hạn chế và thách thức trong vấn đề quản lý chất lượng ATTP ngay từ nơi sản xuất, nuôi trồng, giết mổ và cần sớm chấn chỉnh, khắc phục.
Hiện nay, các chế tài để quản lý ATTP thực hiện theo Pháp lệnh VSATTP từ năm 2002. Thế nhưng, sự phát triển của các loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm tồn tại nhiều mặt trái. Đó là sự gia tăng các hóa chất độc hại trong chế biến, tẩm ướp thực phẩm, đặc biệt là trong sữa, nước tương, giò chả. Việc sử dụng các chất này liên tục sẽ gây ra những căn bệnh nan y. Tình trạng ngộ độc thực phẩm năm sau luôn cao hơn năm trước, nhiều người tử vong do ăn phải thức ăn nhiễm bẩn. Ngoài ra, một số tồn tại khác trong vấn đề VSATTP cần phải kể tới như công tác tổ chức của cơ quan quản lý không phù hợp, nhân lực không đáp ứng với thực tiễn quản lý, có hệ thống thanh tra chuyên ngành VSATTP nhưng chưa siết chặt khâu quản lý, giám sát, xử phạt. Việc kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống tại các chợ, đường phố, khu du lịch quản lý chưa đồng bộ, chặt chẽ. Thực phẩm nhập lậu, thực phẩm giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, không giấy kiểm dịch vẫn tràn lan trên thị trường… Đặc biệt, tồn tại lớn nhất là nhận thức của người dân về VSATTP còn rất thấp do thói quen sinh hoạt, ẩm thực lâu đời, khó thay đổi.
Luật ATTP phân định rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước về thực phẩm theo nguyên tắc quản lý xuyên suốt “từ trang trại đến bàn ăn”. Từ đó, siết chặt hơn việc cấp phép kinh doanh thực phẩm gắn với quản lý điều kiện ATTP, sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Đặc biệt, Luật đề cao vai trò, quyền lợi và trách nhiệm của người tiêu dùng trong giám sát doanh nghiệp thực hiện quy định của pháp luật về ATTP. Việc che giấu, làm sai lệch, xóa bỏ hiện trường, bằng chứng về sự cố ATTP, hoặc các hành vi cố ý khác cản trở việc phát hiện, khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm; quảng cáo thực phẩm sai sự thật, gây nhầm lẫn đối với người tiêu dùng cũng bị xử lý nghiêm.
Có một thực tế là có khoảng 30.000 ngành hàng ở nước ta đang có sự chồng chéo về quản lý giữa các Bộ Y tế, Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Công thương. Việc phân công quản lý về ATTP giữa 3 bộ này lâu nay vẫn chưa đạt kết quả tốt. Chính vì vậy, người dân đang mong chờ Luật ATTP có hiệu lực từ ngày 1-7 tới đây sẽ giải quyết cơ bản những vấn đề nổi cộm liên quan đến sức khỏe người dân, tránh đùn đẩy trách nhiệm.
Ban hành Luật ATTP thay thế Pháp lệnh VSATTP là rất cần thiết, nhưng để Luật làm chuyển biến một cách tích cực trong đời sống người dân cần phải có sự nỗ lực tối đa trong việc tuyên truyền, giáo dục, giám sát, phổ biến quy định nội dung đến từng hộ gia đình một cách đồng bộ, triệt để nhất. Có như vậy, người dân sẽ dịu đi nỗi lo về sức khỏe từ việc ăn uống hằng ngày.
Diệu Minh