Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu HĐND đều khẳng định: Công dân nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ mười tám tuổi trở lên đều có quyền bầu cử.
Vậy người dân đã nhận thức và thực hiện quyền bầu cử của mình như thế nào? Quan sát trên thực tế, tại một số điểm niêm yết danh sách ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND thành phố khóa VIII, nhiệm kỳ 2011-2016 trên địa bàn thành phố hiện nay, có thể bắt gặp nhiều thành phần dân cư khác nhau đến tìm hiểu tiểu sử và quá trình công tác của ứng cử viên. Họ có thể là công nhân, kỹ sư, sinh viên, người lao động, buôn bán, những cán bộ về hưu, người cao tuổi... Đối với người dân thì bây giờ, chuyện bầu cử đã trở thành một sinh hoạt chính trị thường kỳ và họ hiểu, những quyết định của mình sẽ góp phần quan trọng trong việc lựa chọn ra người có đóng góp xứng đáng cho sự phát triển của xã hội.
Theo luật định, việc bầu cử được tiến hành theo nguyên tắc trực tiếp, cử tri phải tự mình đi bầu, trực tiếp viết phiếu bầu và bỏ phiếu vào hòm phiếu. Tuy nhiên, trên thực tế, trong các cuộc bầu cử trước đây, một số ít bộ phận cử tri đã tự “tước” đi quyền lợi chính trị đáng lẽ mình được hưởng. Thay vì tự tay cầm lá phiếu bầu ra những người xứng đáng trong cơ quan quyền lực Nhà nước thì họ lại nhờ người khác đi bầu thay. Một số người có lý do chính đáng nhưng không ít trường hợp thờ ơ, thiếu quan tâm đến sinh hoạt chính trị quan trọng của đất nước và họ xem chuyện nhờ người khác bầu thay là việc đơn giản, không có gì đáng trách và cũng không vi phạm pháp luật.
Bản thân một số cán bộ tổ bầu cử cũng dễ dãi cho qua những trường hợp đi bầu thay và như vậy, vô tình đã tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật về bầu cử. Bên cạnh đó, một số cử tri thực hiện quyền bầu cử một cách thiếu nghiêm túc thông qua việc đi bầu trễ thời gian quy định, gây rối, làm mất trật tự trong ngày bầu cử, lựa chọn ứng cử viên theo kiểu ngẫu nhiên, qua loa, đại khái chứ không trên cơ sở đã cân nhắc về tiểu sử, quá trình công tác, năng lực...
Thời gian diễn ra cuộc bầu cử sắp đến gần, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về quyền và nghĩa vụ bầu cử nhất thiết cần triển khai thường xuyên, liên tục. Làm sao để mỗi người dân thực sự quan tâm đến việc tìm hiểu về ứng cử viên, cân nhắc việc bầu chọn ai và tham gia bầu cử với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Thời điểm bầu cử chính là lúc mà người dân thể hiện quyền làm chủ ở một đất nước mà cha ông phải đổ bao xương máu mới giành được độc lập.
Do vậy, trong cách thực hiện quyền của mình, mỗi người cần có một thái độ nghiêm túc, một nhận thức đúng đắn về ý nghĩa, tầm quan trọng của lá phiếu mình bầu ra đối với việc xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương. Không thể bầu thay, không thể cứ bầu qua loa, đại khái mà cần thiết phải có sự cân nhắc kỹ lưỡng. Tự bản thân mỗi người phải hiểu được trách nhiệm của mình trong việc góp sức xây dựng, tổ chức bộ máy chính quyền của dân, do dân và vì dân.
Hà An