Lễ hội pháo hoa của thành phố Hoa Biển - Đà Nẵng (DIFC) chỉ mới xuất hiện vài năm gần đây nhưng đã sớm trở thành phần không thể thiếu được của cuộc sống người dân Đà Nẵng nói riêng, của rất nhiều người hâm mộ trên cả nước, của bạn bè quốc tế nói chung. Đây không chỉ là một “sản phẩm du lịch mới mẻ, hấp dẫn” mà xa hơn, cao hơn là biểu tượng đặc biệt của một thành phố trẻ trung, sôi động, trong lành...
Tham gia Lễ hội pháo hoa Đà Nẵng 2011, có các đội Hàn Quốc, Trung Quốc, Vương quốc Anh, Italia và đội chủ nhà Việt Nam-Đà Nẵng. Về mặt lý thuyết thì “pháo hoa bao giờ cũng thế” - đẹp, sang trọng, náo nức những niềm vui lấp lánh trên gương mặt của hàng chục vạn con người. Thế nhưng, cái độc đáo và đáng để bàn nhất là năm nào cũng mới, năm nào cũng có nét quyến rũ rất riêng, rất đáng phải thưởng thức, rất cần được chiêm ngẫm.
Năm nay, đội chủ nhà Việt Nam - Đà Nẵng đã có tiến bộ khá rõ rệt (tuy nhiên, do người ta cùng tiến nên chưa thể vượt qua vị trí thứ ba). Dấu ấn rõ rệt nhất là trong đêm khai mạc 29-4, người Đà Nẵng đã dùng pháo hoa để bắc thêm một cây cầu bằng lửa và ánh sáng tuyệt đẹp vắt ngang qua sông Hàn! Cây cầu nối những bờ vui từ rất lâu đã là một cách nói, cách nghĩ, cách làm của Đà Nẵng: Không thể phát triển mạnh mẽ, vững chắc nếu không nối những nhịp cầu thực sự cho thành phố và những cây cầu của tấm lòng, của trân trọng đến bè bạn xa gần. Tư duy ấy đã trở thành một nguyên tắc của sự sống và hiểu biết: Bất kỳ ai đã và đang đến với Đà Nẵng đều cảm nhận thật rõ ràng về giá trị, vẻ đẹp, sự kỳ vĩ của những cây cầu đã và đang được xây thêm.
Dường như hiểu rất rõ những gì đang diễn ra ở Đà Nẵng hôm qua và hôm nay, đội pháo hoa Parente Fireworks đến từ nước Ý (Italia) đã chọn chủ đề Sức sống Dòng Sông để thi tài. Người xem đã choáng ngợp với màn trình diễn đặc sắc của người Ý. Dòng sông có lúc trầm lắng, có lúc mạnh mẽ sôi trào, có lúc lại réo gầm như muôn trùng thác đổ… Những sắc thái đó của cuộc đời, của thiên nhiên hay cá nhân mỗi con người đã được Parente Fireworks thể hiện với trình độ kỹ thuật điêu luyện và rất giàu cảm xúc. Cũng như các đội pháo hoa Anh, Hàn Quốc, Việt Nam, Trung Quốc; những nghệ sĩ Ý chọn kết tấu hình chữ V là cấu hình chủ đạo của các màn trình diễn. Người xem không thể nào quên khi lần đầu tiên pháo hoa được kết thành nhiều chữ V đến thế trên nền trời (xem loạt ảnh trong bài “Sức sống của dòng sông” đoạt giải nhất DIFC 2011, Báo Đà Nẵng Điện tử, 20h58, 30.4.2011). Có thời điểm, hàng ngàn chữ V bằng ánh sáng của lửa và hoa được kết thành 7 cụm sắc màu rực rỡ với các màu đỏ, vàng, trắng; trắng, xanh tím; đỏ tím…; hoặc thành hình 4 chiếc quạt hình chữ V tràn đầy sức sống.
Nếu ai đã tìm biết nền văn minh La Mã, Ấn Độ (Roma = Rome) thì không thể quên sự kỳ lạ - đặc biệt của con số 7 linh thiêng: Đức Phật sinh ra đi 7 bước nở thành 7 đóa hoa sen, Đức Phật ngồi thiền suốt 7 tuần lễ, trên bầu trời có 7 sắc cầu vồng, 7 tầng trời, tuần lễ có 7 ngày, 7 nốt nhạc… Tất cả những đặc trưng đó được người phương Đông gói gọn thành 7 nổi, 3 chìm. Trong nền văn minh La Mã, còn có một truyền thuyết lịch sử nói rằng khi Julius Caesare (100-44 tr.CN) đến chinh phục Ai Cập, do bận rộn quá nên viết thư báo cáo tình hình với Viện Nguyên lão, ông chỉ ghi có 3 chữ V: Veni, Vedi, Vici (đọc là vơ ni, vơ đi, vi xi) – có nghĩa là Tôi đã đến, tôi đã thấy và tôi đã chiến thắng! Sự kỳ lạ ấy của hơn 2.000 năm trước đã được “lặp lại” trong công cuộc thống nhất đất nước của nhân dân ta: Lính Mỹ khi tham chiến ở miền Nam Việt Nam luôn gọi những anh bộ đội Cụ Hồ là Vi Xi (VC) - sự tiên đoán của “định mệnh” đã được báo trước!?! Chữ V là Việt Nam, chữ V cũng có nghĩa là chiến thắng. Tư duy thẩm mỹ sâu sắc đó của những người Ý là một thông điệp thật giàu ý nghĩa.
Hai đêm lễ hội pháo hoa đã khép lại để hẹn chờ năm sau, nhiều lần sau nữa. Hàng vạn du khách đến với Đà Nẵng, hàng chục vạn người dân náo nức, tưng bừng với lễ hội pháo hoa. Đó là một thành công thật đáng khích lệ, trân trọng. Lung linh sông Hàn là chủ đề của DIFC 2011. Bạn bè quốc tế, gần xa và gần một triệu người con của Đà Nẵng đã chung sức, đồng lòng để cho sự lung linh trở nên đầm ấm hơn, giàu ý nghĩa hơn. Người Anh đến để kể về lịch sử của một dòng sông thông qua Câu chuyện dòng sông. Người Hàn Quốc đến để nói rằng Đà Nẵng vẫn còn đó rất nhiều bề bộn, khó khăn với lời nhắn gửi Sông Hàn và những thách thức…
Đó là những phần nhỏ sắc sâu của một thông điệp lớn của niềm vui, của trái tim với những mơ ước vươn cao, đi xa tỏa rộng giữa đất trời...
Hà Văn Thịnh