.

100 năm tỏa sáng muôn lần...

Trong lịch sử phong trào giải phóng dân tộc và phong trào công nhân quốc tế, lãnh tụ Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là một trong những vĩ nhân đặc biệt đến phi thường!

Từ rất nhiều những công lao to lớn của Người đối với dân tộc Việt Nam, ngày 5-6-1911 - cách đây vừa đúng 100 năm, là một sự kiện lịch sử tiêu biểu mà cho mãi đến bây giờ, mỗi tấm lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam vẫn chưa thể hiểu đúng, hiểu rõ một cách  đầy đủ.

Trước ngày đó, rất nhiều phong trào đấu tranh yêu nước và cách mạng đã nổ ra, rất nhiều chí sĩ, nhân cách lớn đã trăn trở để tìm ra con đường đúng nhằm đưa non sông Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ, tôi đòi, nhưng đều hoặc là bất lực hoặc là vô vọng. Rất khâm phục những người đi trước nhưng người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã chọn một hướng đi hoàn toàn khác, với một cách đi thật khác: Người đi về phương Tây với chỉ hai bàn tay trắng và một trái tim giàu nhiệt huyết vô cùng. Thông điệp của con đường ấy, cách đi ấy thật giản dị: Đi sang phương Tây để hiểu rõ vì sao phương Tây văn minh hơn phương Đông, vì sao đế quốc, thực dân có thể có nhiều sức mạnh để áp bức và bóc lột kẻ khác; vì sao con đường cứu nước duy nhất lại chỉ là duy nhất một lựa chọn - phải dựa vào chính mình để giải phóng cho mình!

Nguyễn Tất Thành đã ngay lập tức hiểu rõ thêm một chân lý mới: Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc thì phải đoàn kết một cách chặt chẽ, không phân biệt thân phận, giai cấp, tôn giáo hay đảng phái. Bây giờ nói điều đó ra quả là không có gì mới nhưng, phải đặt tầm nhìn, hướng nhìn vào “khoảnh khắc” cách đây 100 năm, mới hiểu được sự vĩ đại tuyệt vời.

Tháng 7-1920, đúng 9 năm sau khi ra đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành đã trở thành Nguyễn Ái Quốc bằng phát hiện ra rằng con đường cứu nước hiệu quả, chắc chắn thành công là chủ nghĩa Lênin. Vào thời điểm của phát hiện lớn lao này, không một hệ tư tưởng nào, không một lý luận cách mạng nào có thể đủ sức để lôi cuốn, tập hợp được hàng triệu người lao động - yêu nước chân chính. Ngày nay, không ít kẻ cố tình không chịu hiểu cái không thể “nếu như, giá như” của lịch sử; họ cố tình biện minh rằng “có thể đi theo một con đường khác”(?). Sự thật là bà đỡ của lịch sử và sự thật cũng là vị quan tòa nghiêm khắc nhất của nó. Chỉ 15 năm sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Cách mạng Việt Nam đã thành công. Đó là chưa kể rằng những làn sóng vĩ đại mà Nguyễn Thái Học, Phan Châu Trinh hay Phan Bội Châu phát động đều không thể đạt đến cái đích tối thượng: Độc lập dân tộc.

Tất nhiên, việc chủ nghĩa Lênin là con đường hoàn hảo nhất để làm cách mạng không có nghĩa rằng đó cũng là con đường tối ưu nhất để xây dựng và phát triển xã hội: Một học thuyết luôn cần đến sự bổ sung, hoàn chỉnh những giá trị hữu ích. Con đường mà Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã bắt đầu từ năm 1911 mãi là con đường đúng đắn, rạng ngời. Nếu chúng ta nhìn nhận những mặt đối lập như là động lực để phát triển, sự đấu tranh giữa chúng là để tìm đến sự hoàn hảo của xã hội thì, chắc chắn, sẽ thấy ý nghĩa vô cùng to lớn của cách đi, hướng đi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm thấy cho dân tộc Việt Nam...

100 năm là một thời gian không hề ngắn để lịch sử kiểm định các giá trị thuộc về chân lý hiển nhiên, nhưng vẫn là chưa đủ để hoàn thiện một quy luật phát triển, một mô hình xã hội. Nhưng những nguyên tắc mà Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã chỉ ra là hoàn toàn đúng đắn: Độc lập dân tộc phải gắn liền với tự do, dân chủ, hạnh phúc; Nước Việt Nam phải ngẩng cao đầu để sánh vai với cường quốc năm châu...

Ngày 5- 6 thiêng liêng là dịp để chúng ta nhớ lại và suy nghĩ, vững bước trên con đường mà Bác đã lựa chọn.

Tô Vĩnh Hà
;
.
.
.
.
.