.

Biển của mình

Trở về sau chuyến đi biển dài ngày gian khó, hiểm nguy, ngư dân thuyền trưởng Lê Xuân Dũng (Đà Nẵng) vẫn nói một cách thật giản dị: “Biển của mình thì mình phải ra đó để đánh bắt. Mình chùn tay, tức là bỏ biển cho tàu Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm” (TT, 30-5-2011).

Lê Xuân Dũng không phải là một chính trị gia nên ba tiếng mộc mạc biển của mình là lời khẳng định của ý chí bất khuất, tinh thần dũng cảm dám đương đầu và vượt qua mọi thách thức; là ngôn ngữ của trái tim yêu nước thiết tha; là câu tuyên ngôn rõ ràng, chính xác về chủ quyền không thể chối cãi của Tổ quốc Việt Nam và cũng là lời khẳng định của toàn thể ngư dân Đà Nẵng nói riêng, nhân dân Đà Nẵng, nhân dân Việt Nam nói chung quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Do những thông tin không đầy đủ nên rất nhiều người không biết được rằng “bây giờ hễ ra cách đất liền khoảng 60 - 70 hải lý là gặp vô số tàu cá Trung Quốc” (Võ Thành Vương, ngư dân Sơn Trà, Đà Nẵng). Thậm chí, “chỉ cách đảo Cồn Cỏ chừng 30 hải lý, đã có rất nhiều tàu cá và cả tàu sắt Trung Quốc với công suất cao, tải trọng lớn, luôn sẵn sàng húc chìm tàu mình” (ngư dân Huỳnh Minh, chủ của hai tàu cá ở bến Thọ Quang, Đà Nẵng)... Theo Đại tá Dương Đề Dũng, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng thì từ sau Tết đến nay, tàu cá Trung Quốc thường xuyên xâm phạm lãnh hải Việt Nam. Cho đến nay, Bộ đội Biên phòng cũng chỉ dùng biện pháp chủ yếu là đẩy đuổi những tàu Trung Quốc vi phạm.

Thực trạng rất đáng quan ngại trên đây phản ánh rằng phía Trung Quốc đang tìm mọi cách để lấn chiếm ngư trường của ngư dân ta, cố tình “nhầm lẫn” để dư luận quốc tế hiểu sai rằng những xung đột giữa hai nước không phải xảy ra trên vùng thuộc về chủ quyền biển của Việt Nam mà là trên vùng biển đang tranh chấp(!). Đây là một cách làm hết sức nguy hiểm và thâm độc.

Để chống lại mưu mô thâm độc ấy của phía Trung Quốc, ngư dân Việt Nam, hơn bao giờ hết càng phải dũng cảm hơn, bám biển kiên trì và mạnh mẽ hơn. Theo ông Hồ Phó, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng thì đến thời điểm hiện tại, Đà Nẵng đã thành lập được gần 100 tổ đánh bắt hải sản, chủ yếu là các tàu đánh bắt xa bờ (mỗi tổ có từ 4-8 tàu). Những tổ đoàn kết này được hình thành trên cơ sở có chung cách đánh bắt, quen thuộc ngư trường, đủ để đối phó với tàu của Trung Quốc luôn cố tình chèn ép ngư dân ta, xâm hại trực tiếp đến vùng lãnh hải - lãnh thổ của Việt Nam.

Việc thành lập Tổ Đoàn kết đánh bắt hải sản là mô hình kinh tế - xã hội vô cùng quan trọng với mục tiêu rất rõ ràng là vừa bảo vệ được chủ quyền một cách hiệu quả, vừa bảo đảm cuộc sống cho ngư dân và gia đình của họ. Tuy nhiên, biện pháp đó vẫn là chưa đủ. Thứ nhất, các đội tàu Trung Quốc khi xâm phạm vùng biển nước ta thường đi thành đoàn, ít nhất có 30 tàu trở lên. Nếu tính về công suất gấp hai, ba lần tàu cá của ta thì một, hai tổ đoàn kết là chưa đủ để đối phó, chống lại. Thứ hai, nếu ngăn chặn việc xâm phạm chủ quyền chỉ bằng hình thức chủ yếu là đẩy đuổi thì không bao giờ đủ để các tàu “lạ” e ngại. Phải kiên quyết bắt giữ, trừng phạt nghiêm khắc mọi sự xâm phạm thì mới có thể có tác dụng. Thứ ba, đối với các nước láng giềng, nhân dân Việt Nam luôn tôn trọng và mong muốn phát huy, xây dựng tình hữu nghị anh em thủy chung, lâu bền. Thế nhưng, đối với những kẻ rắp tâm xâm phạm có chủ đích, có kế hoạch rõ ràng thì chúng ta quyết không thể ảo tưởng, ngộ nhận.

Một chính sách hỗ trợ cho ngư dân nhiều hơn nữa là điều nhất thiết phải làm. Việc tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ của lực lượng hải quân, biên phòng nhằm khẳng định “thông điệp” cụ thể, thực tế là công tác không thể chần chừ. Luật pháp (của đất nước và quốc tế) không có sự phân biệt trong cách đối xử với các loại tội phạm, càng không thể nương nhẹ với một loại đối tượng nào đó. Đó là những giải pháp, cách thức để thỏa được tâm nguyện của ngư dân và mọi người dân: Kiên quyết bảo vệ bằng mọi giá biển của mình!          

Hà Văn Thịnh
;
.
.
.
.
.