.

Cần điều chỉnh chính sách tiền tệ

Hai trong ba biến số quan trọng nhất của kinh tế vĩ mô: Lạm phát - Lãi suất - Tỷ giá, đến thời điểm hiện nay đã có chiều hướng cải thiện rõ. Thứ nhất, lạm phát dần dần hạ nhiệt, chỉ số giá tháng 6-2011 theo dự báo khoảng 1%, giảm hơn một nửa so với mức 2,21% của tháng 5-2011.
 
Thứ hai, tỷ giá USD/VNĐ tiếp tục xu thế ổn định, hệ thống ngân hàng phát huy được vai trò dẫn dắt thị trường, chợ đen bị đẩy lùi, cung - cầu ngoại tệ từng bước được tháo gỡ. Những thành công bước đầu này thực sự có ý nghĩa, tạo tiền đề để việc thực thi Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô đi vào đúng quỹ đạo như dự kiến. Tồn tại lớn hiện nay là việc điều hành lãi suất vẫn còn nhiều lúng túng, bất cập, kém hiệu lực. Việc áp đặt chốt chặn 14% đối với lãi suất tiền gửi trên thực tế đã phá vỡ nguyên tắc thực dương, khiến cung cầu vốn căng thẳng, dẫn đến sự biến tướng tràn lan không thể kiểm soát được. Nếu không sớm chấn chỉnh, hệ thống ngân hàng sẽ tự đánh mất lòng tin đối với cộng đồng cũng như với khách hàng của mình.

Để ổn định vĩ mô theo hướng bền vững, cần nhất quán với những chủ trương và biện pháp kiềm chế lạm phát theo định hướng Nghị quyết 11. Riêng trong lĩnh vực chính sách tiền tệ, nên tiến hành sớm những điều chỉnh thích hợp nhằm tận dụng thời cơ lợi thế hoàn cảnh, đồng thời khẩn trương bổ khuyết những hạn chế, trước hết là điều hành lãi suất. Nhanh chóng dỡ bỏ trần lãi suất VNĐ, thực hiện đầy đủ cơ chế cạnh tranh lãi suất huy động và cho vay. Sức ép lạm phát và tỷ giá đang giảm, thêm vào đó là những giải pháp kiên quyết gần đây về kiềm chế nhập siêu là những tín hiệu thuận lợi cho phép nới lỏng cung ứng tiền, tạo đà để giảm áp lực về vốn và lãi suất. Bên cạnh đó cần đặc biệt quan tâm tăng cường năng lực tuân thủ pháp luật và kỹ năng quản trị của ngân hàng thương mại, trước hết là thực hiện nghiêm túc Thông tư số 13 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, công khai rõ các ngân hàng vi phạm, thực hiện chế độ cảnh báo tuân thủ thường xuyên, áp dụng chế tài xử phạt công minh.

Hiện nay dư luận đang báo động về tình trạng đóng băng thị trường bất động sản do chính sách thắt chặt tín dụng phi sản xuất của NHNN (?). Thực ra, kiềm chế tín dụng chỉ là nguyên cớ chứ không phải là nguyên nhân của tình tình. Chính lề lối kinh doanh ăn xổi ở thì, phiêu lưu, đầu cơ đã tự gây hại cho phần lớn các chủ thể tham gia vào “cuộc chơi” này. Nhiều nhà đầu tư (kể cả nước ngoài) thường trông chờ vào hồ sơ cấp phép được duyệt, lấy đó làm căn cứ xin cấp tín dụng, hơn là chủ động phương án tài chính khả thi, vận dụng thủ thuật “Huy động tiền trước, giao tài sản sau”, vô hình trung gây thêm nhiều rối ren trong công tác quản lý, rủi ro bong bóng giá và thanh khoản mang tính dây chuyền. Những khó khăn trên lĩnh vực bất động sản hiện nay là bài học đắt giá cho chính hệ thống ngân hàng, các nhà đầu tư, cơ quan quản lý, kể cả những người tiêu dùng mong muốn sở hữu nhiều bất động sản. Đã đến lúc phải nghiêm túc chỉnh đốn, lập lại trật tự trên lĩnh vực này, hướng đến các tiêu chí phát triển bài bản, tầm nhìn dài hạn, hiệu quả kinh doanh bền vững.

TÂM DÂN
;
.
.
.
.
.