.

Mỗi người dân là nhà ngoại giao

6 tháng sau kể từ ngày Quyết định số 8828/QĐ-UBND của UBND thành phố Đà Nẵng về việc ban hành Quy chế phối hợp triển khai thực hiện công tác đối ngoại nhân dân trên địa bàn thành phố có hiệu lực, đã có 60 cán bộ từ các cơ quan phối hợp được cử tham gia vào hoạt động đối ngoại nhân dân. Đây là kết quả hết sức tích cực và là sự chuyển biến lớn về nhận thức của các sở, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội trên địa bàn về công tác đối ngoại nhân dân, một bộ phận không thể thiếu trong hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong thời kỳ mới.

Nghĩa là từ nay, hoạt động đối ngoại nhân dân không còn đơn thuần là nhiệm vụ của một cơ quan (Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Đà Nẵng) mà là trách nhiệm chung của tất cả các cơ quan, đơn vị, trong đó cán bộ được cử tham gia là những người giữ vai trò tiên phong. Những cán bộ này đã được bồi dưỡng những kỹ năng, kiến thức, nghiệp vụ về công tác đối ngoại nhân dân, tăng cường hiểu biết về tình hình trong nước và quốc tế. Những cán bộ này như là những “đại sứ” trong việc phổ biến, tuyên truyền chính sách đối ngoại hòa bình, đoàn kết, hữu nghị và hợp tác của Việt Nam cho tất cả mọi người dân và cho bạn bè quốc tế.

Trong tình hình mới, đặc biệt trong bối cảnh thế giới và khu vực đang có những diễn biến phức tạp và nhanh chóng, công tác đối ngoại nhân dân càng có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết.

Trước hết, công tác đối ngoại nhân dân cần phải đổi mới một cách linh hoạt và chủ động hơn. Người làm công tác đối ngoại nhân dân, một mặt phải luôn nắm vững đường lối và chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, hợp tác, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế... của Việt Nam, một mặt phải tuyên truyền chính sách này đến mọi tầng lớp, mọi người dân. Phải làm sao cho công tác ngoại giao nhân dân thấm sâu vào từng suy nghĩ, mỗi hành động của mọi người và mỗi người coi đây là nhiệm vụ cao cả của mình trong công tác đối ngoại chung của đất nước.

Một vấn đề hết sức quan trọng nữa trong đối ngoại nhân dân hiện nay là thu hút và tranh thủ sự ủng hộ quốc tế, cả vật chất (có chọn lọc) lẫn tinh thần. Nhìn vào số lượng các đoàn, các tổ chức nước ngoài đến Đà Nẵng và kết quả hợp tác giữa Đà Nẵng với các nước trên thế giới từ đầu năm đến nay, có thể thấy rằng hình ảnh và vị thế quốc tế của Đà Nẵng đã được nâng lên rõ rệt. Ưu điểm này cần phải được tiếp tục duy trì và đẩy mạnh, trong đó quan trọng nhất là phải có được sự tin tưởng và ủng hộ của bạn bè quốc tế. Để được như vậy, hoạt động đối ngoại nhân dân phải được thể hiện dưới nhiều ngôn ngữ khác nhau, được tổ chức với nhiều màu sắc văn hóa khác nhau để thu hút sự tham gia của đông đảo bạn bè quốc tế.

Bà Phan Thị Minh, một nhà ngoại giao kỳ cựu, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Italia, trong trả lời phỏng vấn Báo Đà Nẵng gần đây đã cho rằng, trong công tác đối ngoại nhân dân, điều quan trọng là phải làm sao để người dân biết rằng một hành động nhỏ của họ cũng góp phần vào thành công của chính sách đối ngoại của đất nước. Theo bà, mọi người đều có thể làm công tác đối ngoại thông qua chính việc làm của mình, từ đó tạo ra thiện cảm với người nước ngoài và người nước ngoài sẽ suy nghĩ tốt về đất nước, con người Việt Nam. Mỗi người dân đều có thể trở thành một nhà ngoại giao và như vậy, mỗi người đều có thể giới thiệu đến bạn bè khắp nơi trên thế giới hiểu rõ hơn về đất nước và con người Việt Nam mến khách, yêu hòa bình, tùy theo mỗi hành động và cách làm của chính mình.

Khi đã làm được những việc như vậy thì mỗi người dân đã đóng góp một phần đáng kể vào việc kiến tạo và củng cố môi trường hòa bình; tạo dựng hình ảnh quốc tế của địa phương, đất nước; góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ quê hương, Tổ quốc.

Đà Nam
;
.
.
.
.
.