.

0,53% và những nỗi lo

Trong tổng số 2.467 bài thi môn Lịch sử vào Đại học Sư phạm Đà Nẵng năm 2011, chỉ có 19 bài thi có điểm trung bình (5 điểm) trở lên, chiếm tỷ lệ khó tưởng tượng nổi: 0,53%. Điều này có nghĩa có đến trên 99% số bài thi dưới điểm trung bình. Ở môn thi này, có đến 477 bài thi 0 điểm, chỉ có duy nhất một bài thi được 7,75 điểm. Đối với môn Địa lý, có 75% thí sinh có điểm dưới 5. Môn Văn có vẻ khả quan hơn, nhưng vẫn có đến 66,51% thí sinh có điểm dưới 5.

Tình trạng này tương tự ở các trường đại học khác. Ở Trường Đại học Quảng Nam, chỉ có 9/900 bài thi môn Lịch sử có điểm trung bình trở lên, tức có đến 99% bài thi có điểm dưới trung bình. Ở TP. Hồ Chí Minh, nơi được đánh giá ở top đầu trong đào tạo ngành khoa học xã hội - nhân văn, điểm thi khối C cũng khó tưởng tượng được, khi thậm chí có trường chỉ một thí sinh đạt điểm 5 duy nhất ở môn Lịch sử.

Theo dõi diễn biến điểm thi khối C vào các trường đại học trong những năm gần đây, chúng tôi tiên lượng điểm thi khối này trong kỳ tuyển sinh năm nay vẫn sẽ thấp, nhưng quả thật, khi có được số liệu cụ thể từ kết quả công bố của các trường, dư luận bị… sốc thật sự!

Những con số thống kê điểm thi khối C vào Đại học Đà Nẵng trong những năm qua như sau:

Kỳ thi tuyển sinh năm 2007, có 85% bài thi môn Văn khối C, D dưới điểm 5, trong số 9.500 bài thi chỉ có một bài được điểm 8. Môn Lịch sử khối C có 98,7% dưới điểm 5 và hơn 21% bị điểm 0. Năm 2009, trong số 3.527 bài thi môn Văn vào Đại học Sư phạm Đà Nẵng, có đến 2.936 bài có số điểm dưới 5 (chiếm 83,24%), chỉ có một bài thi đạt điểm cao nhất là 8 điểm. Môn Lịch sử còn bi đát hơn, trong số 3.521 bài thi, có tới 3.345 bài bị điểm dưới 5 (chiếm 95%). Môn Địa lý có tỷ lệ điểm trên trung bình cao nhất trong số các môn thi khối C, nhưng cũng có đến 59,71% bài thi có điểm dưới trung bình. Năm 2010, trong  số 2.829 bài thi môn Lịch sử vào Đại học Sư phạm Đà Nẵng có 2.648 bài thi dưới điểm trung bình, chiếm tỷ lệ hơn 93%.

Nhìn vào những con số trên, có thể thấy ngay đây là vấn đề đang ở mức báo động đỏ trong việc học Văn, Sử, Địa hiện nay ở các trường phổ thông. Vì sao nên nỗi? Có rất nhiều lý do giải thích cho thực trạng rất đáng lo này.

Trong xã hội hiện nay, ngay từ đầu phần lớn học sinh đã học lệch khi chọn các môn khoa học tự nhiên, kinh tế mà lơ là các môn xã hội - nhân văn. Điều này xuất phát từ thực tế nhu cầu tuyển dụng của xã hội và mục tiêu tuyển sinh của trường đại học để đáp ứng nhu cầu đó: các ngành kinh tế đang lên ngôi, các ngành xã hội - nhân văn đang thưa vắng dần. Điều này giải thích vì sao tỷ lệ đăng ký dự thi khối C vào các trường đại học ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng ở kỳ thi tuyển sinh năm 2011 vừa qua là dưới 5%. Chính sự lơ là cộng với sự bùng nổ công nghệ thông tin và Internet, học sinh bây giờ khi đi thi đâu cần ôn Văn, luyện Sử mà chỉ cần lên mạng tìm “bác Google” (lời của một học sinh) và cứ thế mà… nhân bản.
 
Chính vì thế mới có những bài làm Văn và Sử cười ra nước mắt, kiểu như “Bình Ngô đại cáo” là của Lý Thường Kiệt, Xuân Quỳnh cùng thời với Hồ Xuân Hương… mà nhiều tờ báo, nhiều diễn đàn trên mạng đăng tải. Một nguyên nhân nữa, đó là thực trạng “đọc-chép” hiện nay trong các trường học. Cách dạy và sách giáo khoa không mới, thiếu sáng tạo, lặp đi lặp lại đã khiến cho học sinh mất hứng thú và “sợ” các môn mà lẽ ra các em phải rất hồ hởi.

Xin lặp lại một lần nữa điều âu lo mà chúng tôi từng đề cập: Văn là người, là vẻ đẹp trong mỗi tâm hồn, là sự hướng thiện. Lịch sử là cội nguồn, là gốc rễ, niềm tự hào dân tộc. Địa lý là quê hương, đất nước, là chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng. Những kiến thức cơ bản về văn hóa, về lịch sử dân tộc, về địa lý của đất nước là hết sức cần thiết đối với mỗi học sinh, sinh viên, những trí thức tương lai của đất nước. Trong thời đại hội nhập sâu rộng với toàn cầu, trong một thế giới ngày càng phẳng ra, những kiến thức nghèo nàn về văn học, văn hóa; lệch lạc về lịch sử; mơ hồ về địa lý là điều rất nguy hiểm.

Chúng tôi rất tâm đắc với câu nói của một giáo sư khi đề cập đến thực trạng này: Việc tập trung vào phát triển kinh tế, sáng tạo các công cụ kỹ thuật phục vụ đời sống, sản xuất là cần thiết nhưng nếu một xã hội mà không chú trọng khoa học xã hội - nhân văn, con người sẽ phát triển thế nào?

Đà Nam
;
.
.
.
.
.