.

Bảo hiểm Y tế toàn dân

Ngày 1-7 là Ngày Bảo hiểm Y tế Việt Nam, đánh dấu 2 năm thực hiện Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT). Tính đến nay, cả nước có hơn 53 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ khoảng 61% dân số.

Nếu như toàn quốc phấn đấu đến năm 2014 đạt lộ trình BHYT toàn dân thì thành phố Đà Nẵng dự tính chọn năm 2012 là thời điểm về đích của lộ trình này, để cho người dân tiếp cận sớm với các dịch vụ y tế, nhất là đối với các đối tượng thuộc nhóm người nghèo, dân tộc thiểu số, sinh viên - học sinh.  Hai năm qua, Đà Nẵng luôn nằm trong top dẫn đầu toàn quốc về phát triển đầu thẻ BHYT trong tổng số dân. Ước tính, đến cuối tháng 4-2011, toàn thành phố có khoảng 732.000 người tham gia BHYT, chiếm 76% dân số. 100% hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo 2 năm được cấp thẻ BHYT. Hầu hết trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ khám chữa bệnh miễn phí.

Phần lớn người dân đã tiếp cận với các kỹ thuật y tế chuyên sâu và sử dụng các loại thuốc đắt tiền nằm trong danh mục mà Bộ Y tế đang mở rộng cho người tham gia BHYT.  Những con số khá ấn tượng nói trên là minh chứng rõ nét về thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, trong đó vấn đề đẩy mạnh  thực hiện chính sách an sinh xã hội của thành phố Đà Nẵng về hỗ trợ miễn giảm thêm chi phí khám chữa bệnh đối với đối tượng đặc biệt nghèo mắc các nhóm bệnh hiểm nghèo không có khả năng cùng chi trả, làm cho người dân có thêm niềm tin vào chính sách dành cho người nghèo mà chính quyền thành phố đã và đang thực hiện.

Tuy vậy, còn rất nhiều thách thức phía trước để hoàn thành lộ trình BHYT toàn dân vào năm 2012.  Đó là tình trạng trẻ em dưới 6 tuổi đi khám chữa bệnh không có thẻ BHYT, phải sử dụng giấy khai sinh, giấy chứng sinh vẫn còn, gây khó khăn trong việc quản lý thẻ, thanh quyết toán và quản lý quỹ của nhóm đối tượng này. Ngoài ra, số đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT như các doanh nghiệp cũng chưa cao, chỉ ở mức 72%. Còn lại những đối tượng khác tham gia không đầy đủ. Chẳng hạn nhóm học sinh - sinh viên, mặc dù quy định bắt buộc nhưng mới chỉ gần 70% tham gia...

Không những thế, việc hỗ trợ chi trả BHYT cho người bị tai nạn giao thông vẫn còn nhiều khúc mắc do phải xác định người bị tai nạn có vi phạm Luật Giao thông hay không. Còn khá nhiều vướng mắc khác trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh giữa cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan Bảo hiểm Xã hội. Vấn đề thực hiện quy định cùng chi trả, nhất là với nhóm người nghèo, người mắc bệnh nặng, bệnh mãn tính cũng có nhiều ý kiến than phiền từ người bệnh. Vẫn còn tình trạng người tham gia BHYT phàn nàn về thủ tục khám chữa bệnh phiền hà, về quy định cơ sở đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, chuyển tuyến khám chữa bệnh và phân bổ thẻ khám chữa bệnh BHYT... 

Để thực hiện chính sách BHYT toàn dân, Đà Nẵng còn nhiều việc phải làm. Mục tiêu đến cuối năm 2012, khoảng 90% dân số thành phố tham gia BHYT là điều không dễ thực hiện. Vì vậy, công tác tuyên truyền cần chú trọng về nội dung, đối tượng, hình thức, nhất là những nội dung mới của Luật BHYT, nêu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của người dân trong việc tham gia BHYT, trong việc thực hiện cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về BHYT, tập trung thực hiện quy chế chuyên môn, chống lạm dụng quỹ BHYT.

Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh đáp ứng sự hài lòng của người bệnh BHYT, tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý bệnh viện, quản lý BHYT, thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh, bảo đảm thuận tiện, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh. Nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức chăm lo sức khỏe của từng người dân, bởi suy cho cùng, tham gia BHYT là lợi ích thiết thân để bảo vệ sức khỏe của mỗi người. 

Diệu Minh

;
.
.
.
.
.