Liên tiếp trong tuần qua, hai vụ bạo lực gia đình nghiêm trọng đã xảy ra trên địa bàn thành phố Đà Nẵng khiến dư luận xã hội hết sức bất bình. Cả hai gia đình đầy đủ cha lẫn mẹ cùng những đứa con ngoan ngoãn vậy mà bây giờ, tang tóc bao trùm.
Sự việc này khiến cho xã hội và cả những người làm công tác quản lý một lần nữa nhìn nhận bạo lực gia đình ở một góc độ sâu sắc hơn. Theo đó, những biểu hiện về trạng thái tâm lý bất ổn cùng với lối sống không lành mạnh của người chồng nếu được chính quyền sở tại, các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là tổ dân phố quan tâm và điều chỉnh hành vi sớm hơn thì nguy cơ dẫn đến bạo lực gia đình có khả năng không xảy ra. Việc nhìn nhận những mối nguy cơ này giống như việc “tầm soát” một căn bệnh có thể đang tồn tại trong cơ thể mỗi người.
Ở góc độ người chồng, trong hai trường hợp này, họ đều là những người không có việc làm ổn định, thậm chí thường xuyên rượu chè, say xỉn. Tâm lý của người đàn ông ở vị trí trụ cột nhưng không nuôi nổi gia đình có thể là nguyên nhân gây ức chế đối với người chồng trong cuộc sống hằng ngày. Những nghiên cứu về bạo lực gia đình cho thấy, khó khăn về kinh tế và lạm dụng rượu bia là nguyên nhân dẫn đến nạn bạo hành giữa chồng đối với vợ. Xã hội hiện tại vẫn xem uống rượu bia là một hành vi có thể chấp nhận được của đàn ông. Tuy nhiên, việc lạm dụng bia rượu dễ dẫn đến bạo lực gia đình mà điển hình là trường hợp đau lòng như ở gia đình vợ chồng anh Phạm Phú Lên (33 tuổi) và chị Nguyễn Thị Yến (30 tuổi), trú tại tổ 2B, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà.
Theo các nhà tâm lý, nếu người vợ cứ nhiếc móc, oán trách chồng về cái sự bất lực trong việc nuôi sống gia đình thì trước sau gì người chồng sẽ có phản ứng tiêu cực và tăng nguy cơ có thể dẫn đến bạo lực. Những lối sống và trạng thái tâm lý bất ổn của người chồng thường diễn ra trong một thời gian dài và nếu gia đình, họ hàng cùng bà con xóm giềng sớm khuyên nhủ, quan tâm và có sự chia sẻ, giúp đỡ thì có thể chuyển biến tâm lý của người chồng theo hướng tích cực, nguy cơ dẫn đến những hành vi bạo lực nghiêm trọng có thể ngăn chặn sớm.
Về phía người vợ, mặc dù quan điểm xã hội cho rằng họ là người giữ lửa ấm, có trách nhiệm duy trì sự thanh bình và hài hòa trong gia đình; tuy nhiên, đứng trên góc độ quan điểm bình đẳng giới, phụ nữ cũng phải biết cách cân bằng vị trí của mình trong gia đình, tự biết bảo vệ bản thân trước những hành vi ngược đãi của chồng. Cho dù là chuyện chửi mắng hay đánh đập, ít người phụ nữ muốn hé lộ để tìm sự chia sẻ của người ngoài gia đình vì sợ “xấu chàng hổ ai”. Và vì vậy, chính sự cam chịu, nhẫn nhục của họ càng khiến cho bạo lực gia đình nghiêm trọng hơn và lâu dài có thể dẫn đến những trường hợp đau lòng như vừa qua.
Ở góc độ quản lý xã hội, có thể xem Đà Nẵng là một trong những địa phương đi đầu trong việc thực hiện các giải pháp hạn chế bạo lực gia đình. Việc lãnh đạo thành phố gặp gỡ những ông chồng đánh vợ và yêu cầu có cam kết chấm dứt bạo hành gia đình là biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực một cách trực diện và cương quyết. Tuy nhiên chính quyền địa phương cũng như các đoàn thể mới quan tâm đến bề nổi của nạn bạo hành gia đình, chỉ tập trung vào những gia đình đã từng có chồng bạo ngược với vợ như chửi mắng, đánh đập gây thương tích.
Căn nguyên sâu xa từ những bất ổn trong gia đình như tình trạng thất nghiệp, nghèo khổ, học vấn thấp, lạm dụng bia rượu, cờ bạc, ghen tuông, bệnh thần kinh của người dùng bạo lực… cần được coi như là những nguy cơ cao khiến cho tình trạng bạo hành gia đình trở nên căng thẳng. Để từ đó, cộng đồng xã hội, chính quyền địa phương, tổ dân phố, các hội, đoàn thể cùng tham gia phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn ngay từ khi trong gia đình tồn tại những nguy cơ này. Trong đó, Ban điều hành tổ dân phố cùng với tổ hòa giải ở địa phương là những người thường xuyên nắm tình hình ở khu dân cư và họ là những nhân tố quan trọng trong việc phát hiện, ngăn chặn hành vi bạo lực cùng những nguy cơ dẫn đến bạo hành gia đình như đã nói trên. Trên cơ sở đời sống thực tế của từng hộ gia đình, tổ dân phố sẽ tham mưu cho các cấp chính quyền biện pháp giúp đỡ, động viên, hỗ trợ, thậm chí là sự răn đe cần thiết đối với những người chồng có xu hướng bạo lực.
Chúng ta đang có một hệ thống quản lý hoạt động khá tốt để ngăn chặn tình trạng bạo lực gia đình như văn bản pháp luật, các tổ chức bảo vệ quyền lợi phụ nữ, những trung tâm tư vấn, tổ hòa giải… Nếu hệ thống này phối hợp hoạt động một cách đồng bộ, thường xuyên và chặt chẽ thì sẽ hạn chế được tình trạng bạo lực gia đình. Trong đó, quan trọng hơn cả là thay đổi nhận thức của những người phụ nữ để họ thoát ra khỏi khuôn khổ định kiến về vai trò người mẹ, người vợ và tự bảo vệ cho cuộc sống của mình trước nguy cơ bạo lực. Giữ lửa ấm và hạnh phúc trong gia đình là quan trọng nhưng nếu không cương quyết và dứt khoát với hành vi bạo lực thì nạn nhân không ai khác chính là người phụ nữ và con cái của họ.
Hà An