Tháng 7 - “Tháng về nguồn” năm nay, người dân xóm Rừng ở Điện Bàn (Quảng Nam) không còn thấy bóng dáng mẹ Thứ, không còn chứng kiến cảnh mẹ Thứ nắm chặt tay từng đoàn con cháu đến thăm. Xóm Rừng đã vắng bóng Mẹ. Nhưng hình ảnh Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ - biểu tượng cho tất cả những người mẹ anh hùng trên đất nước trải dài hình chữ S này và là biểu tượng của một thời hoa lửa - vẫn sống mãi.
Chẳng nơi đâu như đất nước Việt Nam nói chung và mảnh đất miền Trung nói riêng lại có nhiều người mẹ bao lần tiễn con đi và bao lần khóc thầm lặng lẽ đến thế. Chẳng nơi đâu như đất nước hình chữ S này lại có những cuộc ra đi đã hóa thành bất tử nhiều đến thế. Với Mẹ Thứ, “có người mẹ nào như Mẹ/ chín con đẻ, một con rể, hai cháu ngoại/ lần lượt lên đường cầm súng/ lần lượt hóa thành mây trắng trời xanh…” (Thơ: Lê Anh Dũng). Có nỗi đau nào chất chứa hơn nỗi đau của người mẹ trên mái đầu bạc là 11 bát hương và 11 Bằng Tổ quốc ghi công. Nước mắt của người mẹ xóm Rừng dường như đã khô cạn suốt bao năm khóc tiễn các con lần lượt không trở về.
Chiến tranh đã để lại đau thương và mất mát không dễ gì phai nhạt, dù năm tháng cứ trôi qua, dù dòng chảy của cuộc sống cứ cuồn cuộn theo quy luật tự nhiên. Nhưng nỗi đau thương và sự mất mát trong niềm tự hào của ngày hôm qua đã mang lại nắng ấm cho hôm nay.
Nhà văn Chu Lai cho rằng, khi nói đến phạm trù liệt sĩ là nói đến điều cao cả - sự hy sinh, trong lòng hầu hết người dân Việt Nam đều không thể không lắng đọng. Nhà văn từng mang áo lính mô tả rằng, những người trai ra trận mang nặng một quầng sáng lung linh về khát vọng nhân tình, về cõi lãng mạn mênh mang, về nỗi niềm ưu tư dịu dàng và day dứt đến chênh chao. Ra đi là không trở về, ra đi là mất mát, mất mát đến không cùng nhưng trái tim của những người chiến sĩ vẫn rộng mở, vẫn ca hát thênh thang như thể sự ra đi tự thân đã nhuốm màu tráng sĩ, sự ra đi của đấng “trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương”. Sự ra đi ấy như có ngọn gió phiêu linh lịch sử ngàn năm chống ngoại xâm thổi về, thành lực đẩy dào dạt phía sau lưng.
Bên cạnh 2 cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc, còn có cuộc chiến tranh giữ nước và làm nghĩa vụ quốc tế với nhân dân Campuchia. Trong đó, những người con của Đà Nẵng đã tình nguyện lên đường sang đất nước Angkor xinh đẹp. Có những người vĩnh viễn nằm xuống trên nước bạn, có những người trở về với thương tật và bắt nhịp với công cuộc xây dựng đất nước. Các cuộc gặp gỡ của những người con trở về từ cuộc chiến tranh thứ ba này diễn ra ở Đà Nẵng bao giờ cũng chất chứa niềm vui, nỗi buồn, nụ cười và nước mắt. Những câu chuyện được chia sẻ là những tháng ngày dặm dài hành quân trong ăn đói, mặc rét, là nỗi nhớ nhà và khát vọng chiến thắng để trở về. Những câu chuyện được chia sẻ là cuộc sống hiện tại, là cơm - áo - gạo - tiền và cần lắm những cái siết tay của đồng đội. Cũng như khi hành quân ra trận, những người lính của một thời khói lửa vẫn chân chất, dung dị, và vẫn phải tất bật mưu sinh.
Thời hoa lửa với biết bao câu chuyện đi vào trang sử của dân tộc đã qua. Trong thời hoa lửa ấy, chúng ta có Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ, Anh hùng bác sĩ - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, Anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, và còn biết bao người con ưu tú khác. Chiến tranh dường như đã mang những tinh hoa của đất nước ra trận và làm nên những ký ức đi cùng năm tháng, những “bài ca không bao giờ quên”.
TÚ PHƯƠNG